Vi phạm cung cấp thông tin sẽ không được xét cấp bảo lãnh dự án

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính yêu cầu Công ty mẹ, cổ đông chính kiểm tra tình hình của Người được bảo lãnh, báo cáo Bộ Tài chính. Trường hợp sau khi báo cáo, Người được bảo lãnh vẫn tiếp tục vi phạm quy định về cung cấp thông tin, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án khác của Người được bảo lãnh.

Nếu Người được bảo lãnh vi phạm chế độ cung cấp thông tin 3 lần liên tiếp, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: internet
Nếu Người được bảo lãnh vi phạm chế độ cung cấp thông tin 3 lần liên tiếp, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: internet
Nội dung trên được Bộ Tài chính quy định tại  ban hành Thông tư số 81/2014/TT-BTC quy định về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án vay vốn được cấp bảo lãnh chính phủ.

Về việc báo cáo, cung cấp thông tin, Bộ Tài chính yêu cầu người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo đúng hạn và đầy đủ theo quy định, đồng thời đảm bảo tính kịp thời trong trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin hoặc báo cáo đột xuất. Người được bảo lãnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, báo cáo cung cấp.

Chế độ báo cáo định kỳ, gồm: Báo cáo quý, 6 tháng, hàng năm; và báo cáo đột xuất khi phát sinh các vấn đề có liên quan tới nghiệp vụ quản lý bảo lãnh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Đối với báo cáo định kỳ trong thời gian được bảo lãnh, Bộ Tài chính yêu cầu người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính: Báo cáo quý về rút vốn, trả nợ cho dự án. Thời hạn báo cáo: Trong vòng 10 ngày đầu hàng quý trong giai đoạn rút vốn.

Trong đó, báo cáo cần cung cấp đầy đủ số liệu chi tiết từng lần rút vốn, trả nợ (gốc, lãi, phí và phí bảo lãnh) của khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của quý trước đó.

Riêng về Báo cáo trong giai đoạn vận hành cho đến khi kết thúc khoản vay được bảo lãnh, Bộ Tài chính yêu cầu cần có các nội dung như: Số liệu trả nợ các khoản đến hạn trong kỳ báo cáo và số dư nợ;  Tình hình vận hành, công suất vận hành nhà máy, tình hình tiêu thụ sản phẩm và đánh giá thị trường tiêu thụ sản phẩm, tình hình cung ứng hàng hóa dịch vụ, kết quả sản xuất kinh doanh.

Đối với các dự án đang gặp khó khăn tài chính và phải vay ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước để trả nợ, Người được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp bổ sung tình hình trả nợ cho Quỹ Tích lũy trả nợ hoặc Ngân sách Nhà nước và đánh giá khả năng trả nợ trong các kỳ tiếp theo, nêu rõ nguồn trả nợ và đề xuất các biện pháp dự kiến để khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính hiện tại và ý kiến của cơ quan chủ quản về các biện pháp đó.

Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các trường hợp thay đổi và phát sinh vấn đề bất lợi phải báo cáo cho Bộ Tài chính bao gồm nhưng không giới hạn trong các trường hợp sau: Dự án triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch rút vốn dự kiến từ 6 tháng trở lên; Vốn chủ sở hữu chủ đầu tư bố trí chậm 6 tháng theo cam kết tại phương án tài chính đã trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp bảo lãnh (các cổ đông không đóng góp trong trường hợp công ty cổ phần và Công ty mẹ không cấp vốn trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên)...

Về xử lý vi phạm chế độ cung cấp thông tin, báo cáo của Người được bảo lãnh, Bộ Tài chính quy định: Trường hợp Người được bảo lãnh vi phạm các quy định về chế độ cung cấp thông tin, báo cáo 3 lần liên tiếp, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính yêu cầu Công ty mẹ, cổ đông chính kiểm tra tình hình của Người được bảo lãnh, báo cáo Bộ Tài chính. Trường hợp sau khi báo cáo, Người được bảo lãnh vẫn tiếp tục vi phạm quy định về cung cấp thông tin, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án khác của Người được bảo lãnh, đồng thời Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Dự án và tình hình tài chính của Người được bảo lãnh.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2014.