Vi phạm về hành nghề chứng khoán, quản lý nhân viên, người hành nghề chứng khoán bị phạt thế nào?

PV.

Việc vi phạm quy định về hành nghề chứng khoán, quản lý nhân viên, người hành nghề chứng khoán có thể sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, theo Điều 32, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, sẽ phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không báo cáo theo thời hạn pháp luật quy định khi thay đổi người hành nghề chứng khoán; Không bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ có đủ chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện; bố trí người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ không phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp; Bố trí nhân viên, người hành nghề chứng khoán kiêm nhiệm công việc trong trường hợp không được kiêm nhiệm.

Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau: Bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc người đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Không báo cáo theo thời hạn pháp luật quy định khi phát hiện người hành nghề chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32.

Đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với người hành nghề chứng khoán nêu có một trong các hành vi vi phạm sau: Đồng thời làm việc cho tổ chức khác có quan hệ sở hữu với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán nơi mình làm việc; Đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của một tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc tổ chức niêm yết.

Các tổ chức cá nhận cũng sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:  Mượn, thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Tẩy xoá, sửa chữa làm thay đổi nội dung chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán; Thực hiện mua, bán chứng khoán trên tài khoản giao dịch ủy thác vượt quá phạm vi được ủy thác, giá trị tài sản ủy thác và mục tiêu đầu tư của khách hàng ủy thác; đầu tư thay cho khách hàng, trừ trường hợp ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; Môi giới giao dịch vay, mượn tài sản giữa các khách hàng hoặc giữa khách hàng và bên thứ ba, trừ trường hợp vay chứng khoán để sửa lỗi giao dịch hoặc vay để thực hiện các giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục.

Đặc biệt, mức phạt sẽ tăng lên rất nhiều, có thể lên tới từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc không đúng nội dung ủy thác; sử dụng tài khoản hoặc tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi chưa được công ty chứng khoán ủy quyền theo sự ủy thác của khách hàng cho công ty chứng khoán bằng văn bản; Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán hoặc cho khách hàng vay chứng khoán trong trường hợp không được phép thực hiện.

Bên cạnh các mức xử phạt, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP cũng quy định thêm các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (là chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị tẩy xóa, sửa chữa); Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán...

Đồng thời, yêu cầu phải thực hiện thêm các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Hoàn trả chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực thi hành...