Vì sao doanh nghiệp chưa "mặn mà" đầu tư nhà ở xã hội?
Một số khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn, quỹ đất cho phát triển đã dẫn đến những tồn tại trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Để giải quyết căn cơ được bài toán này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.Trong đó đã hoàn thành 248 dự án, với khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5.175.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với khoảng 216.500 căn. Số dự án còn lạilà 512dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Mới đạt hơn 40% mục tiêu
Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù đã hoàn thành hơn 5.175.000 m2 NƠXH cũng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, từ tổng hợp của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và chính những người được hưởng thụ, việc triển khai NƠXH còn một số tồn tại, nguyên nhân do một số quy định của Luật Nhà ở, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và cơ bản do nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi hạn hẹp.
Quá trình triển khai, theo quy định của Luật Nhà ở, quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội được thuê, thuê mua là quá rộng, trong khi ngân sách nhà nước khó khăn không thể cân đối được.
Bên cạnh đó, một số điểm của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP còn chưa phù hợp với thực tế như quy định trong giai đoạn 2016-2020 Ngân hàng chính sách xã hội chỉ cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay, chưa cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay. Việc quy định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, khống chế lợi nhuận... gây khó khăn cho chủ đầu tư, không hấp dẫn doanh nghiệp tham gia phát triển dự án NƠXH.
Đồng thời, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngân sách nhà nước vừa cấp bù lãi suất cho vay, vừa phải cấp 50% nguồn vốn cho vaycho Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng Chính sách xã hội phải tự huy động 50% nguồn vốn cho vay còn lại). Đến nay, Ngân hàng này mới chỉ được phân bổ 1.163 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của ngân hàng là hơn 9.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020.
Mặt khác, hầu hết các địa phương chưa bố trí vốn cho NƠXH, chưa quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án.
Khó khăn liên quan đến quỹ đất, Bộ Xây dựng cho rằng, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc dành quỹ đất cho phát triển NƠXH. Theo quy định các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất trong dự án cho phát triển NƠXH. Tuy nhiên, thời gian qua hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10ha đất đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì yêu cầu phải dành quỹ đất. Hơn nữa, quỹ nhà cho thuê bỏ trống dẫn đến lãng phí của cải vật chất.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhìn nhận, cũng do các tồn tại, hạn chế trên cho nên đến nay, hầu hết 264 dự án NƠXH đang đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Vài ba năm trở lại đây, số dự án hoàn thành rất ít, nguồn cung NƠXH đạt thấp, không đáp ứng nhu cầu thực tế.
Muốn giải quyết một cách căn cơ, triệt để thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân tại khu công nghiệp, vị đại diện này cho rằng cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện.
Bên cạnh việc triển khai nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100/NĐ-CP theo trình tự rút gọn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai các bước theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội.
Bộ này cũng đã xây dựng Dự thảo đề cương sửa đổi và đang tiến hành xây dựng các Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung tập trung vào nghiên cứu những nội dung nhằm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc cơ bản về nguồn vốn, về quỹ đất, giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo điều thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh,chuyên gia kinh tế, tài chính, cơ chế chính sách cho việc phát triển NƠXH vẫn còn lúng túng, chưa đầy đủ. Để kêu gọi được chủ đầu tư, nhà thầu tham gia các dự án NƠXH, Nhà nước đã đưa ra những ưu đãi nhất định.
"Nhưng việc đưa ra ưu tiên cho xây dựng NƠXH phải là những ưu tiên cần thiết và có chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp có động lực, có hứng thú. Các ưu đãi đối với việc xây dựng NƠXH phải đủ lớn mới hút được doanh nghiệp đầu tư nhưng các ưu đãi này phải gắn với trách nhiệm, đó là phải xây dựng xong mới được hưởng." ông Thịnh nói.
Mặt khác, nên để địa phương bình xét những người được mua NƠXH. Đồng thời, cần công khai, minh bạch, tạo niềm tin và thực hiện số hóa về thông tin các dự án NƠXH, về đối tượng được hưởng và quy trình thủ tục. Không để tình trạng như hiện nay, chủ trương chưa nhất quán từ trên, thông tin vừa thiếu và mập mờ thì khó có thể "cởi nút thắt" phát triển NƠXH.