Vì sao hàng loạt đối tác của Apple muốn xây nhà máy tại Việt Nam?


Việc hàng loạt công ty đối tác dự định đầu tư hàng trăm triệu USD xây nhà máy ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cho thấy Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple và dần trở thành công xưởng của đại gia công nghệ này.

Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: KBC
Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: KBC

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, liên tiếp các công ty đối tác lớn của Apple đã lên kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD để đặt nhà máy của mình tại Việt Nam. Theo giới phân tích, thị trường Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn với Apple khi tốc độ tăng trưởng tại những khu vực trọng điểm có dấu hiệu chững lại.

Đối tác của Apple ồ ạt đầu tư vào Việt Nam

Từ tháng 1/2023, BOE Technology Group - hãng sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc đã lên kế hoạch rót 400 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Việt Nam và đã đàm phán thuê đất tại miền Bắc. BOE dự kiến thuê tới 100 ha, trong đó, 50ha sẽ được dùng để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình.

BOE được Apple đưa vào danh sách các đối tác sản xuất từ năm 2021. Theo các nhà phân tích, rất có thể BOE sẽ trở thành hãng cung cấp màn hình lớn nhất cho các mẫu iPhone mới trong năm 2024.

Tháng 4/2023, Quanta Computer - Tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Nam Định về việc phát triển nhà máy sản xuất máy tính quy mô 22,5ha, tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Quanta Computer được biết đến là một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới và là một trong các đối tác lắp ráp Macbook, Apple Watch lớn nhất của Apple. Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà máy của Quanta Computer ở Nam Định dự kiến có công suất ban đầu 1,3 triệu máy tính trong năm 2024; đến năm 2028 sẽ là 4,5 triệu máy.

Gần nhất, vào tháng 6 mới đây, Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình) với Công ty cổ phần Green i-Park. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ tập trung sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử.

Compal Electronics là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; bao gồm các bộ phận, linh kiện, các phụ kiện liên quan. Doanh nghiệp này là một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

Bên cạnh đó, bộ 3 đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây.

Tháng 2/2023, Foxconn đã ký hợp đồng thuê một lô đất rộng khoảng 45ha nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với giá khoảng 62,5 triệu USD. Đến tháng 5, doanh nghiệp này tiếp tục mua một khu đất rộng 48ha tại Nghệ An tại Khu công nghiệp WHA, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.

Trong khi đó, Luxshare ICT đã khởi công dự án sản xuất linh kiện điện tử 150 triệu USD của mình tại KCN VSIP (Nghệ An) đầu năm nay, dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2024. Goertek cũng có kế hoạch triển khai 1 dự án mới tại Bắc Ninh trong năm 2023, chuyên sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông, dụng cụ quang học.

Tại sao Apple nhắm đến Việt Nam?

Theo danh sách các nhà cung ứng mới nhất của Apple, tính đến hiện tại, có khoảng 25 nhà cung ứng của Apple đã hiện diện ở Việt Nam, với 27 cơ sở sản xuất được đặt tại 13 tỉnh, thành.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Apple chú ý tới Việt Nam là do ngay từ năm 2019, hãng này đã có chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất nhằm giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà chủ yếu là chính trị, trong bối cảnh xung đột ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Apple, Việt Nam là một lựa chọn thay thế rất hấp dẫn so với Trung Quốc. Miền bắc Việt Nam có một số lợi thế mà ít địa điểm khác có thể sánh được. Phần lớn điều này là do vị trí gần với Trung Quốc và khả năng các nhà sản xuất tích hợp khu vực này vào chuỗi cung ứng hiện có.

Một lý do quan trọng khác là chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác. Việt Nam có mức lương thấp hơn so với các quốc gia như Trung Quốc hay Mỹ, điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có chính sách thuế hấp dẫn cho các nhà sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam cũng giúp các đối tác của Apple đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, một thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn. Việc xây dựng nhà máy sản xuất tại đây giúp ích cho các đối tác của Apple khi có thể cung cấp sản phẩm đến thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực này nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư bằng cách xây dựng nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như điện, nước, giao thông và an ninh để thu hút các nhà sản xuất đầu tư tại đây. Đây chính là một ưu điểm lớn giúp các đối tác của Apple có thể đầu tư và sản xuất ở Việt Nam một cách thuận lợi và hiệu quả.

Theo Trọng Hiếu/nhadautu.vn