Vì sao hàng trăm tỷ phú Trung Quốc mất tích bí ẩn?


Ở khía cạnh động lực tăng trưởng mới, những công ty Internet, bất động sản, bảo hiểm không tạo ra giá trị mới, không đáp ứng tham vọng “Made in China”.

Những tỷ phú Trung Quốc bị thất sủng (Ảnh: Forbes)
Những tỷ phú Trung Quốc bị thất sủng (Ảnh: Forbes)

Vào năm 2020, tỷ phú mang song tịch Trung Quốc và Canada, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Tomorrow Holdings, Xiao Jianhua đang sở hữu tài sản riêng khoảng 6 tỷ USD thì bỗng nhiên người ta không còn thấy ông đến trụ sở.

Vị tỷ phú này bị quản thúc tại gia ở Thành phố Thượng Hải chờ ngày hầu tòa vì tội danh “gian lận tài chính”. Phiên tòa diễn ra giữa năm 2022, tổng cộng bản án là 13 năm tù, phạt tiền 8,5 tỷ USD. Như vậy, một tỷ phú vĩnh viễn biến mất trong danh sách Forbes.

Jianhua chỉ là một trong hàng trăm “đại gia” Trung Quốc thất sủng sau khi Đảng Cộng sản nước này quyết định “bẻ lái” guồng máy kinh tế. Trước đây, nhà cải cách Đặng Tiểu Bình “cho phép” một bộ phận giàu lên để lèo lái nền kinh tế thì nay ông Tập Cận Bình yêu cầu “giới nhà giàu gắn với trách nhiệm chính trị”, san sẻ của cải, hướng tới khái niệm “thịnh vượng chung”.

Danh sách tỷ phú Trung Quốc vướng lao lý, mất mát tài sản còn rất dài, và dường như cơ quan công quyền Trung Quốc đã biết trước tất cả, động vào đâu cũng có vấn đề. Hay nói cách khác, "chấn chỉnh" tỷ phú là kế hoạch bài bản, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Trung Quốc.

Từng một thời, các tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân như Alibaba, Tencent, Ant, Tomorrow, Baidu, ByteDance,…là kết quả của chính sách mở cửa từ sau thập niên 80 của Trung Quốc. Họ được tạo điều kiện tối đa để phát triển, đúng lộ trình, đảm đương sứ mệnh giúp Trung Quốc sánh ngang và đuổi kịp nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Cụ thể hơn, kinh tế tư nhân Trung Quốc được hưởng cơ chế đặc biệt về vốn, chính sách, thậm chí có hậu thuẫn từ chính phủ. Trong môi trường nhập nhằng giữa bao cấp và thị trường, động lực tư nhân đã phát huy tính chiến đấu, tận dụng mọi cơ hội; lẽ dĩ ngẫu đã có hiện tượng vượt “lằn ranh đỏ” bị âm thầm ghi nhận, nghĩa là cơ quan điều tra đã biết tất thảy “đường đi nước bước của doanh nghiệp”.

Chỉ cần chờ đúng thời điểm, hồ sơ tung ra và hàng loạt tỷ phú nhanh chóng bị bắt. Có thể nói, Trung Quốc đã vạch ra không gian và thời gian giới hạn rõ ràng để quản lý kinh tế tư nhân. Khi có hiện tượng “tư bản hóa”, “tư hữu hóa”, chệch đường lối, cú đấm thép được tung ra.

Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt lớn để dần tiến tới thịnh vượng chung.
Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt lớn để dần tiến tới thịnh vượng chung.

Quy tội trạng cho ông chủ doanh nghiệp là cách nhanh nhất triệt tiêu sự phát triển của nó; sự tổn thương hình ảnh, thương hiệu, sứt mẻ uy tín khiến cổ đông ồ ạt rút vốn; ngăn chặn IPO dẫn đến tài sản “bốc hơi” mau chóng là điều dễ hiểu.

Theo một danh sách mới được công bố bởi Hurun Report, trong năm 2022, Trung Quốc đã mất 229 tỷ phú do nền kinh tế gặp khó khăn, chứng khoán trượt dốc và đồng nhân dân tệ mất giá. Giá trị tài sản ròng của các tỷ phú Trung Quốc trong danh sách cũng giảm mạnh, ở mức 15% so với mức 10% trên toàn cầu.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Trung Quốc còn tiềm năng vươn lên mạnh mẽ. Nước này cũng bổ sung số lượng tỷ phú mới nhiều nhất vào danh sách - thêm 69 người, dựa trên giá trị tài sản ròng.

Ông Tập bước vào nhiệm kỳ thứ 3 và có thể nhiều hơn, ưu tiên củng cố “Đảng lãnh đạo” toàn diện và triệt để mọi mặt của đời sống xã hội. Đội ngũ của ông Tập Cận Bình đứng trước thách thức giúp cho người dân Trung Quốc giàu có thực sự như hình ảnh, số liệu mà thế giới biết về nền kinh tế số 2 toàn cầu. Tài sản của nhóm người siêu giàu có thể chiếm phần nửa tổng GDP 17.800 tỷ USD. Bây giờ chúng được nhòm ngó để phục vụ mục tiêu “thịnh vượng chung”.

Theo Trương Khắc Trà/Diendandoanhnghiep.vn