Vì sao hiện tượng khan hiếm thanh khoản tại Trung Quốc xảy ra và có thể xuất hiện trở lại


Sự việc thiếu hụt tiền mặt ngắn hạn đã làm rung chuyển thị trường tiền tệ Trung Quốc vào đầu tuần cho thấy, hệ thống tài chính được quản lý chặt chẽ của quốc gia này đang chịu áp lực như thế nào từ đợt phát hành nợ với khối lượng lớn của Chính phủ.

Hệ thống tài chính được quản lý chặt chẽ của Trung Quốc đang chịu áp lực từ đợt phát hành nợ với khối lượng lớn của Chính phủ.
Hệ thống tài chính được quản lý chặt chẽ của Trung Quốc đang chịu áp lực từ đợt phát hành nợ với khối lượng lớn của Chính phủ.

Lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên tới 50% trong các giao dịch riêng đối với các tổ chức phi ngân hàng vào thứ Ba (31/10), làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng vốn ở mức độ nhẹ thường thấy vào cuối tháng.

Sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ yêu cầu về vốn của ngân hàng đến các khoản thanh toán thuế và doanh số bán trái phiếu chính phủ lớn, là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về vốn.

Một nguồn thạo tin cho biết, chi phí đi vay có thể sẽ giảm về mức bình thường do thanh khoản vẫn dồi dào.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh vào ngày hôm sau và Ngân hàng trung ương của Trung Quốc (PBOC) thậm chí còn rút tiền mặt khỏi thị trường, cho thấy họ coi sự việc ngày 31/10 là sự gián đoạn chỉ xảy ra một lần.

Vậy, chuyện gì đã xảy ra?

1. Tại sao chi phí đi vay của các tổ chức phi ngân hàng lại tăng vọt?

Lãi suất thị trường tiền tệ tăng vào cuối tháng 10 khi các ngân hàng chịu áp lực phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý, các công ty phải đối mặt với việc nộp thuế và chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã phát hành lượng trái phiếu kỷ lục.

Một nhà kinh doanh ngân hàng cho biết, vào thời điểm đó, nhu cầu tiền mặt quá cao khiến các ngân hàng lớn, những nhà cung cấp vốn chính, không thể đáp ứng.

Điều kiện thanh khoản thậm chí còn trở nên căng hơn vào ngày cuối cùng của tháng 10. Các tổ chức phi ngân hàng, từ công ty môi giới đến công ty quản lý tài sản, vốn nổi tiếng với việc tích cực sử dụng các khoản vay liên ngân hàng để đặt cược vào trái phiếu, có thể đã bị bất ngờ.

2. Hợp đồng mua lại nợ có kỳ hạn (repos) qua đêm là gì và chúng được sử dụng để làm gì?

Hợp đồng repos qua đêm là một khoản vay trên thị trường tiền tệ sử dụng nợ chính phủ hoặc doanh nghiệp làm tài sản thế chấp. Đây là công cụ tài trợ vốn phổ biến nhất để đặt cược đòn bẩy vào trái phiếu ở Trung Quốc.

3. Các loại hình tổ chức phi ngân hàng ở Trung Quốc và các nguồn cấp vốn cho các tổ chức này từ đâu?

Các tổ chức phi ngân hàng là tất cả các công ty tài chính, không phải là các ngân hàng thương mại, bao gồm các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và công ty tín thác.

Các công ty này có thể tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng rộng lớn của đất nước hoặc trên hai sàn giao dịch chứng khoán.

4. Tại sao các tổ chức phi ngân hàng lại có xu hướng chịu thiệt hại nhiều hơn khi thanh khoản bị thắt chặt?

Thông thường, những tổ chức phi ngân hàng khó có thể đảm bảo nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng vì tài sản của họ chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp, có lãi suất cao hơn nhưng được xếp hạng thấp hơn.

Nhu cầu sử dụng trái phiếu như tài sản thế chấp cho các khoản vay yếu hơn thường dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.

Khi có sự gia tăng theo mùa về nhu cầu tiền mặt, chẳng hạn như vào cuối quý hoặc cuối tháng, nguồn vốn do các ngân hàng thương mại cung cấp sẽ thu hẹp hơn đối với các đối tác là tổ chức phi ngân hàng.

5. PBOC thường phản ứng thế nào khi tiền mặt thiếu hụt?

Ngân hàng trung ương Trung Quốc trước đây đã sử dụng biện pháp bơm thanh khoản thông qua hoạt động thị trường mở hoặc công cụ cửa sổ định hướng cho các ngân hàng lớn hoặc kết hợp cả hai để xoa dịu những căng thẳng.

Truyền thông nhà nước cũng thường xuyên tham gia đưa tin. Ngày 31/10, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đổ lỗi cho một số tổ chức tài chính đã gây rối loạn thị trường.

Trung Quốc cũng mở lại sàn giao dịch liên ngân hàng vào lúc 6 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 31/10, một giờ sau thời gian đóng cửa thông thường, để giúp các thành viên tham gia thị trường có thêm thời gian để xử lý các giao dịch.

6. Liệu chuyện đó có xảy ra lần nữa không?

Các nhà phân tích cảnh báo, tình trạng khan hiếm thanh khoản tương tự, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể xảy ra lần nữa trong những tháng tới khi Bắc Kinh huy động 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (137 tỷ USD) thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho nhiều biện pháp kích thích hơn.

Chính quyền các tỉnh cũng đang chuẩn bị cho một chương trình huy động vốn mới để trả nợ cũ trị giá 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Adam Wolfe - Nhà kinh tế tại Absolute Strategy Research, đã viết trong một ghi chú: “Khi bảng cân đối ngân hàng bị kẹt cứng với tất cả các đợt phát hành trái phiếu chính phủ này, các công ty đầu tư phi ngân hàng có thể sẽ tiếp tục gặp tình trạng thanh khoản bị siết chặt”.

“Vì vậy, chúng tôi tiếp tục mong đợi PBOC hỗ trợ thanh khoản nhiều hơn, bao gồm cả việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.”

Theo Vân Anh/thitruongtaichinhtiente.vn