Vì sao khách báo mất 32 tỷ đồng mua bán nhà bằng sổ tiết kiệm
Mua nhà bà Phương Anh nhưng bà Thư không có tiền mặt, chỉ có sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng chưa đến hạn tất toán nên để tránh mất khoản lãi nửa tỷ đồng, hai bên đã đồng ý giao dịch bằng sổ tiết kiệm thay vì tiền mặt.
Vụ việc bà Ngô Phương Anh (57 tuổi) ở Đà Lạt, Lâm Đồng báo mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có liên quan tới giao dịch mua bán căn nhà của bố mẹ. Bà Phương Anh bán nhà cho bà Bùi Thị Anh Thư nhưng hai bên lại không giao dịch bằng tiền mặt như cách thông thường mà dùng sổ tiết kiệm của người mua (bà Thư).
Theo nhiều luật sư, nếu bà Phương Anh yêu cầu người mua buộc phải rút tiền trong sổ tiết kiệm trả cho mình, có thể không xảy ra sự cố đáng tiếc mất tiền tại ngân hàng.
Trao đổi với VnExpress, bà Ngô Phương Anh cho biết, lý do chấp nhận sổ tiết kiệm vì sau khi thỏa thuận xong hợp đồng mua bán nhà với giá 36 tỷ đồng, bà Thư nói không có tiền mặt nhưng đang có một sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng. Sổ này do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) phát hành vào ngày 21/1 và hết hạn ngày 21/4/2016. Sổ tiết kiệm này theo bà Thư là không được rút trước thời hạn.
Trên thực tế, việc các bên mua bán nhà đất giao dịch bằng sổ tiết kiệm không phải hiếm. Một trong những lý do chính là người mua không có sẵn tiền mặt, sổ tiết kiệm lại chưa đến hạn tất toán, nếu rút trước hạn sẽ bị mất số tiền lãi khá lớn. Như trường hợp của bà Bùi Thị Anh Thư, với 30 tỷ đồng, bà có thể bị mất lãi tới nửa tỷ đồng.
Do đó, thay vì rút hết tiền để trả cho bà Phương Anh, hai bên đến ngân hàng để xác nhận có số tiền như vậy trong sổ tiết kiệm và mang đến văn phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền. Ở đây, bà Thư ủy quyền cho bà Phương Anh được toàn quyết rút số tiền trong sổ tiết kiệm này khi đến hạn. Đồng thời, với số tiền còn lại (6 tỷ đồng), bà Phương Anh đồng ý cho bà Thư viết giấy nợ trả sau.
Theo luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật Basico), với các giao dịch thanh toán bằng hình thức nêu trên, các bên nên lưu ý kỹ các thủ tục để tránh rủi ro.
Ví dụ, người bán nhà nên yêu cầu người mua sang tên, chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngay cho mình thay vì làm ủy quyền (như bà Thư ủy quyền cho bà Phương Anh). Lý do là về nguyên tắc với hình thức ủy quyền, quyền chính vẫn không nằm trong tay người được ủy quyền (bà Phương Anh). Như vậy, rủi ro sẽ xảy đến khi người ủy quyền là bà Thư hủy đơn phương văn bản này.
Một rủi ro khác là văn bản ủy quyền sẽ vô hiệu khi người ủy quyền qua đời hoặc phát sinh những tranh chấp tài sản từ phía vợ/chồng, con cái họ. Do đó, nếu thanh toán theo hình thức này, thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm phải được thực hiện ngay thay vì để tới 2 tháng như trường hợp nêu trên để tránh những thiệt hại không đáng có.