Công bố dự án BĐS nợ thuế: Thêm cảnh báo cho người tiêu dùng
Cơ quan Thuế Hà Nội mới đây tiếp tục công bố danh sách hàng chục doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản nợ thuế, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, việc công bố công khai các doanh nghiệp (DN) địa ốc nợ thuế có tác động tích cực góp phần làm minh bạch hóa thị trường bất động sản (BĐS); đồng thời cảnh báo người tiêu dùng (NTD) cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về dự án trước mỗi quyết định mua nhà.
Nợ thuế ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp
Mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội đã công bố công khai danh sách 185 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất đợt 9 năm 2016, với tổng số tiền nợ hơn 215 tỷ đồng. Theo đó, các “đại gia” trong lĩnh vực xây dựng, BĐS và thương mại vẫn tiếp tục dẫn đầu về số tiền nợ thuế với 144 DN, nợ hơn 193 tỷ đồng. Trong đó, số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS nợ thuế lên tới gần 60 đơn vị. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng BĐS Lanmak nợ hơn 19,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng đô thị Bắc Hà nợ gần 14,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư xây dựng Tam Trinh nợ 12 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội nợ 5 tỷ đồng…
Bình luận về nguyên nhân các DN xây dựng, BĐS nợ thuế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS còn khó khăn, nhiều DN không thực hiện được phương án bán hàng và không có dòng tiền để tiếp tục hoạt động, triển khai các dự án đã đầu tư. Do đó, các DN phải đối mặt với sức ép vay nợ lớn, sức ép từ việc phải hoàn thành dự án… nên DN không có được nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Bên cạnh đó, một số DN cố tình chây ỳ việc nộp thuế gây ảnh hưởng đến công tác thu NSNN. “Chỉ bằng một phép cộng trừ đơn giản, nhiều DN đã tính toán được họ sẽ có lợi rất nhiều nếu đem khoản tiền phải đóng thuế gửi vào ngân hàng lấy lãi, sau đó trích một phần lãi đóng tiền phạt nộp thuế chậm cho cơ quan thuế. Đây là một chiêu trò đáng phê phán của DN”, ông Châu nói.
Tuy nhiên, theo ông Châu, dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì việc DN nợ thuế cũng phần nào ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN, theo đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Người tiêu dùng cần cảnh giác
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, thông thường, khi thực hiện các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư (CĐT) hạch toán và thu luôn các khoản thuế, phí và tiền sử dụng đất mà các bên phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Song khi giao kết hợp đồng, khách hàng ít thắc mắc về những khoản thu này, mà chỉ quan tâm đến giá bán và tiến độ nhận giao nhà ở. Vì vậy, việc sử dụng số tiền đáng lẽ phải được nộp vào NSNN này hoàn toàn nằm trong tay CĐT, nên nhiều CĐT “ém” các khoản tiền từ khách hàng vốn là nghĩa vụ của CĐT với Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi mua nhà trong hợp đồng cũng chỉ ghi sau bao lâu thì có “sổ đỏ” chứ không công khai việc nộp tiền sử dụng đất. Theo đó, sau khi đã bàn giao nhà, nếu CĐT chậm nộp tiền thuế thì khả năng khách mua nhà bị chậm cấp sổ đỏ là rất cao. Không những vậy, khách hàng cũng không thể đem tài sản của mình đi thế chấp hay sang nhượng được, phần thua thiệt vì thế hoàn toàn là khách hàng phải gánh chịu, trong khi lỗi không phải ở người mua.
Để tránh gặp phải những rắc rối, rủi ro có thể phát sinh cho người mua nhà, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội khuyến cáo, khi ký hợp đồng góp vốn hoặc mua căn hộ, đất nền tại các dự án, khách hàng nên yêu cầu CĐT cung cấp các chứng từ, giấy tờ chứng minh việc đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. NTD cũng nên tham khảo thông tin về các DN còn nợ thuế đã được cơ quan thuế công bố công khai để cân nhắc, xem xét có nên mua nhà tại dự án đó hay không.
Đồng quan điểm, ông Châu cũng đưa thêm đề xuất, sau khi bị “bêu tên” vì nợ thuế mà các DN vẫn cố tình chây ỳ trong thời gian dài hay cố tình vi phạm, các cơ quan chức năng cần áp dụng những biện pháp mạnh hơn như phong tỏa tài khoản, thậm chí có thể xem xét thu hồi đất, dự án và kiên quyết không giao thêm dự án mới… để góp phần làm minh bạch, lành mạnh hóa thị trường BĐS.