Vì sao lãi suất cho vay khó giảm?

Theo Chí Kiên/thoibaonganhang.vn

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, phải có sự hỗ trợ từ nhiều chính sách như phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho tín dụng, có giải pháp ngăn chặn đầu cơ bất động sản, giữ ổn định VND mới giảm được lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đợt giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp xao động và hy vọng lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh giảm nay mai. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng và giới chuyên gia tài chính – ngân hàng đều cho rằng, xét trên diễn biến thị trường tiền tệ cũng như kinh tế vĩ mô thì trong ngắn hạn vẫn khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, đợt giảm lãi suất huy động mới đây nhiều khách hàng cũng gọi tới ngân hàng hỏi về mức lãi suất cho vay thời gian tới có giảm không? “Đúng là với khách hàng đi vay thì bao giờ cũng muốn vay nguồn vốn giá rẻ nhất, khiến ngân hàng chịu nhiều áp lực.” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ.

Bản thân các ngân hàng luôn phải áp lực trước sự cạnh tranh lãi suất với nhau. Khi ngân hàng bạn có mức lãi suất cạnh tranh thì mình cũng phải tính toán để đưa ra lãi suất giữ chân khách hàng chứ chưa nói tới cạnh tranh để kéo khách hàng về mình. Nói như vậy để thấy, bên cạnh sự cạnh tranh dịch vụ, thủ tục cho vay thì lãi suất cho vay cũng phải cạnh tranh.

Tuy nhiên các ngân hàng đều cho rằng, đợt giảm lãi suất huy động vừa qua không phải là đại trà mà chỉ ở một vài ngân hàng dư thừa nguồn vốn huy động ngắn hạn, một phần cân đối lại nguồn theo hướng khuyến khích khách gửi tiền ở kỳ hạn dài.

“Việc giảm lãi suất cho vay đang là rất khó khăn” – Tổng giám đốc NHTM Nhà nước chia sẻ và cho rằng, vừa hồi đầu năm nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm nên sẽ khó có đợt giảm tiếp theo chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Bởi để tính toán giảm lãi suất các ngân hàng phải dựa trên dòng vốn đầu vào, đầu ra và phải có độ trễ, chứ không phải nói giảm là giảm ngay được.

Phân tích về khả năng giảm lãi suất cho vay, nhiều chuyên gia cho rằng, giảm lãi suất còn phải tính toán trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và cân đối giữa huy động và cho vay. TS. Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, ngoài yếu tố sức ép lạm phát còn có lãi suất USD có xu hướng tăng hơn mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để người dân gửi tiết kiệm VND.

“Lãi suất giảm thì đương nhiên kích thích doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Nhưng phải giảm sâu được lãi suất huy động thì mới có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đây là cả một câu chuyện dài, một bài toán phải tính thận trọng.” - ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Theo ông Sinh, giảm lãi suất cho vay một cách căn cơ thì phải kết hợp với nhiều chính sách khác chứ một mình ngân hàng không làm được. Ví dụ như phải có sự phối hợp của tài khóa để đẩy mạnh thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào ngân hàng thì mới giảm áp lực vốn tín dụng; cùng với đó thị trường bất động sản cũng phải được quản lý tốt, giảm đầu cơ nhà đất, phải làm sao xóa đi suy nghĩ đầu tư nhà đất vẫn có lãi hấp dẫn thì khi đó người dân mới gửi tiền ngân hàng.

Vừa rồi Bộ Tài chính cũng có định hướng nghiên cứu dự thảo Luật Thuế tài sản với mong muốn chống đầu cơ nhà đất. Nhưng nghiên cứu phải khoa học và phù hợp với thực tiễn để làm sao để tránh việc đầu tư vào những lĩnh vực không khuyến khích là bất động sản song phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước thì mới giúp người dân tập trung vào sản xuất, kinh doanh và tiền nhàn rỗi vào ngân hàng.

“Nói chung phải kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, bất động sản và một số chính sách khác để tạo sự ổn định cho VND, khi đó người ta mới yên tâm gửi tiền ngân hàng. Có như vậy thì bài toán giảm thêm lãi suất cho vay mới có thể thành hiện thực”, ông Sinh phân tích.