Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá mua vào USD?
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ giá mua vào USD sẽ giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn.
Bất ngờ giảm giá mua ngoại tệ
Thị trường tiền tệ tuần qua có khá nhiều chuyển động đáng chú ý. Bên cạnh việc thanh khoản của hệ thống ngân hàng đột ngột nóng lên đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, thì quyết định giảm giá mua vào ngoại tệ của NHNN vào cuối tuần cũng thu hút sự quan tâm của thị trường.
Chiều ngày 29/11 vừa qua, NHNN bất ngờ giảm giá mua vào USD 25 đồng xuống còn 23.175 đồng/USD sau khi đã duy trì mức giá mua vào 23.200 đồng/USD suốt từ ngày 2/1/2019 đến nay, tức đã giữ ổn định trong suốt 11 tháng qua.
Theo một chuyên gia ngân hàng, động thái này của NHNN không khỏi khiến thị trường bất ngờ. Thứ nhất, động thái này được đưa ra đúng vào thời điểm khá nhạy cảm, đó là giai đoạn cuối năm và tỷ giá thường chịu nhiều sức ép tăng trong giai đoạn này. Thứ hai, đồng USD trên thị trường thế giới cũng có xu hướng tăng trở lại và đang đứng ở mức rất cao sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có nguy cơ bị đổ bể.
Quả vậy, hiện chỉ số USD đang xoay quanh mức 98 điểm, cao hơn khoảng 0,71% so với mức đáy 3 tháng thiết lập hồi đầu tháng 11 vừa qua, và tăng 1,83% so với đầu năm nay. Vậy lý do gì mà NHNN lại đưa ra một quyết định có phần ngược đời như vậy?.
Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, động thái này của NHNN là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, diễn biến thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước đang rất ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. “Việc giảm giá mua vào USD cho thấy dự trữ ngoại tệ tăng rất cao và NHNN không còn nhu cầu mua vào nhiều USD như trước nữa”, vị chuyên gia này cho biết.
Cũng có chung góc nhìn như vậy, Công ty chứng khoán SSI cho biết, ngoại trừ 2 tháng (5-6/2019) tỷ giá bật tăng do áp lực leo thang chiến tranh thương mại, hầu như tỷ giá mua vào của các NHTM luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN. Nhờ vậy, NHNN đã mua vào được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 73 tỷ USD, tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu.
Tuy nhiên, thông thường áp lực tỷ giá sẽ tăng về cuối năm, NHNN hạ tỷ giá mua vào USD sẽ giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn.“Động thái này tạo tín hiệu về chính sách quản lý linh hoạt, có tăng, có giảm không chỉ cho các thành viên thị trường mà cho cả các Chính phủ nước ngoài khi đánh giá về chủ trương điều hành tỷ giá của Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân của SSI nhận định.
Mặc dù vậy, việc chọn thời điểm đưa ra quyết định này là buổi chiều ngày làm việc cuối cùng trong tuần cũng cho thấy sự thận trọng của nhà điều hành muốn thị trường có thời gian để “thấm thấu” hết ý nghĩa của quyết định trên, qua đó tránh những xáo trộn không cần thiết.
Tác động hai chiều
Trên thực tế, trong phiên giao dịch sáng ngày 29/11, mặc dù tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng 4 đồng lên 23.162 đồng/USD, phiên tăng thứ 7 liên tiếp trong 8 phiên trước đó. Thế nhưng, tỷ giá thực, tức giá mua – bán USD tại các ngân hàng lại giảm 5-10 đồng, xuống mức 23.130 – 23.140 đồng/USD mua vào, 23.250 – 23.260 đồng/USD bán ra.
Sau khi quyết định giảm giá mua ngoại tệ của NHNN được đưa ra, các nhà băng tiếp tục giảm giá giao dịch USD thêm khoảng 20-30 đồng mỗi chiều, xuống quanh mức 23.120 đồng/USD mua vào và 23.240 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá tiếp tục giảm trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này, song mức giảm là khá nhẹ. Theo đó, tỷ giá trung tâm ngày 3/12 tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm 1 đồng xuống còn 23.156 đồng/USD sau khi đã giảm 5 đồng trong phiên trước đó. Sở Giao dịch NHNN cũng giảm giá bán ra USD xuống còn 23.801 đồng/USD, trong khi vẫn giữ giá mua vào ở mức 23.175 đồng/USD như cuối tuần trước.
Giá mua - bán USD cũng tiếp tục giảm ở các cả ngân hàng lẫn trên thị trường tự do. Theo đó, hiện giá mua vào USD của các nhà băng phổ biến ở mức 23.110 đồng/USD, còn giá bán ra phổ biến ở mức 23.230 đồng/USD, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước. Trong khi hiện giá mua bán USD trên thị trường tự do ở mức 23.230/23.260 đồng/USD, giảm 15 đồng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tỷ giá giảm là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng vốn không được vay ngoại tệ, trong khi hiện đã bước vào mùa cao điểm cuối năm khi mà thời gian này, nhu cầu tiêu dùng tăng cao đột biến.
Cũng vì lý do này, tỷ giá giảm cũng sẽ là một yếu tố tích cực hãm lại đà tăng của giá tiêu dùng, vốn đang chịu sức ép lớn từ giá thịt lợn tăng cao.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, tỷ giá giảm cũng đồng nghĩa với việc VND tăng giá lại tạo áp lực đến hoạt động xuất khẩu; đồng thời có thể khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc thêm trầm trọng, nhất là khi đồng Nhân dân tệ đang có xu hướng giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt tới 68,7 tỷ USD trong 11 tháng qua, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung; trong khi xuất khẩu sang thị trường này lại giảm 0,6%, chỉ đạt 37,4 tỷ USD. Có nghĩa nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 31,3 tỷ USD trong thời gian này.