Sau thập kỷ chờ đợi, khối tiền tỷ USD dồn dập đổ vào ngân hàng Việt
Dòng vốn ngoại dồn dập đổ vào lĩnh vực ngân hàng, từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ USD. Làn sóng mới mang đến kỷ vọng đổi thay lớn trong một lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế.
Dồn dập tỷ USD vào ngân hàng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) vừa chính thức công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc sau thương vụ bán vốn có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, BIDV đã hoàn tất bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank (tương đương 15% cổ phần) với giá 33.640 đồng/cp thu về hơn 20,2 ngàn tỷ đồng (khoảng 870 triệu USD) sau 2 năm đàm phán.
Dòng vốn lớn từ ngân hàng ngoại giúp BIDV tăng mạnh vốn điều lệ lên trên 40,2 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD) và là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Sau thập kỷ u ám, vồn ngoại dồn dập đổ vào ngân hàng Việt |
Đây là thương vụ lớn nhất của một ngân hàng Hàn Quốc với một ngân hàng Việt Nam và là bước tiếp nối dòng vốn ngoại đổ vào các ngân hàng Việt trong khoảng 2 năm gần đây sau khoảng một thập kỷ hệ thống ngân hàng vật lộn với khó khăn, xử lý nợ xấu.
Bắt đầu từ năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam bất ngờ ghi nhận những thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đình đám như tại VPBank, HDBank, TPBank.
HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã bán 21,5% cổ phần cho 76 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều định chế lớn như: Deutsche Bank AG, JP Morgan, Dragon Capital, Credit Saison... thu về hơn 6,8 ngàn tỷ đồng (300 triệu USD). Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bán cổ cho Quỹ đầu tư PYN Fund Management, với tỷ lệ sở hữu 4,99%, giá trị gần 40 triệu USD.
Vụ bán cổ phần vào giữa 2017 của VPBank với tổng lượng đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD từ khoảng 80 NĐT nước ngoài tưởng chừng khó bị phá vỡ trong tương lai đã nhanh chóng bị phá vỡ bởi Techcombank sau đó.
Đầu 2018, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh đã bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các NĐT nước ngoài với giá 128 ngàn đồng/cp (5,62 USD/cp), thu về 21 ngàn tỷ đồng (hơn 920 triệu USD). Lượng đặt mua cao gấp vài lần.
Tới cuối 2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán thành công hơn 111 triệu cổ phiếu VCB cho hai NĐT là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore - GIC (mua 94,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,55% vốn cổ phần) và Mizuho Bank, với giá 55.800 đồng/cp, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (khoảng 270 triệu USD). Mizuho mua thêm 16,7 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank. Việc phát hành cho GIC và Mizuho làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37.100 tỷ đồng.
Các ngân hàng hoạt động tốt trở lại trong 2 năm gần đây. |
Chờ cú bứt phá
Theo Reuters, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) có kế hoạch bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, dự kiến thu về một vài trăm triệu USD.
Vietcombank trong khi đó năm 2019 có thể vẫn tiếp tục kế hoạch chào bán khoảng 6,5% cổ phần cho NĐT nước ngoài, như một bước tiếp nối của kế hoạch bán tổng cộng 10% cổ phần chưa thực hiện xong trong năm 2018. Chủ trương và cơ chế đã được các cơ quan chức năng và cổ đông chấp thuận.
Có thể thấy, sau một thời gian dài tái cơ cấu kéo dài cả thập kỷ kể từ thời điểm bắt đầu cuộc đại phẫu tái cơ cấu 2008, các ngân hàng mới chứng kiến những cú chào bán cổ phiếu lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD.
Sở dĩ các cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn dấn, thu thút sự quan tâm của NĐT nước ngoài là bởi những chuyển biến tích cực từ chính các ngân hàng trong nước và triển vọng của nhóm ngành này trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới cũng như khu vực, gồm cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) 600 triệu dân.
Chờ cú bứt phá với vốn và trình độ quản trị đến từ các NĐT nước ngoài |
Từ 2017, hoạt động của các ngân hàng đã bắt đầu có chuyển biến rất tích cực, được hàng loạt tổ chức ghi nhận về lợi nhuận ngàn tỷ và tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm 2019 đã lên trên ngưỡng 17,6 ngàn tỷ đồng. Agribank cũng bất ngờ báo lãi 9,7 ngàn tỷ đồng; Techcombank 8,9 ngàn tỷ... Có tới 15 ngân hàng có lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng.
Giá cổ phiếu ngân hàng cũng tăng khá mạnh.
Với thông tin bán cổ phần cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV tăng tổng cộng 45% kể từ đầu năm và hiện lên mức 42.000 đồng/cp, và chỉ còn cách một chút so với đỉnh lịch sử 44.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận hồi đầu 2018.
Cổ phiếu Viecombank cũng đã có bước tăng đột phá, tăng khoảng 45% kể từ đầu năm và đã lên ngưỡng 92 ngàn đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức 56 ngàn đồng bán cho các NĐT nước ngoài. Đây cũng là mức cao lịch sử của cổ phiếu này.
Với sự xuất hiện của các đối tác ngoại, nhiều khả năng các ngân hàng Việt sẽ có hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.
Sau thương vụ mua bán khủng tại BIDV, theo kế hoạch KEB Hana Bank sẽ hỗ trợ BIDV trên 6 lĩnh vực là quản trị chiến lược, nâng cao quản trị rủi ro, đa dạng hoá các tài sản sinh lời, phát triển ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, và nâng cao phát triển nguồn nhân lực...
Với quy mô và tiềm lực tài chính tăng lên, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, sự mở rộng của nền kinh tế cùng sự ổn định kinh tế vĩ mô... các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội mở rộng hoạt động sau khi đã đáp ứng chuẩn mực Basel II. Doanh thu và lợi nhuận do đó cũng tăng lên.
Khá nhiều ngân hàng gần đây phát triển mạnh nhờ mảng bán lẻ với biên lợi nhuận cao và nguồn thu về dịch vụ tài chính khủng. Vietcombank là một trong số đó. Ngân hàng này vừa ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với FWD của Hong Kong và tạm thời thu về khoảng 400 triệu USD.