Vì sao người nước ngoài chưa muốn mua nhà tại Việt Nam?

Theo Trung Kiên/Báo Đầu tư Bất động sản

(Taichinh) - Nếu như Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã có nhiều điều kiện nới lỏng để người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thì thực tế, thị trường địa ốc cho người nước ngoài dường như vẫn khá yên ắng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về khả năng bán hàng cho người nước ngoài, đại đa số chủ đầu tư dự án khẳng định, chưa bao giờ nhắm tới đối tượng khách hàng chính yếu là người nước ngoài.

Theo họ, dù truyền thông nói có đến cả triệu người nước ngoài muốn sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, số người nước ngoài đến tìm hiểu để mua nhà cũng giống như “hạt muối bỏ biển”.

Chị Ngọc Thúy, Việt kiều Mỹ chuẩn bị về sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cho biết: “Tôi muốn mua một căn nhà để mở văn phòng đại diện cho công ty có trụ sở chính bên Mỹ, nhưng không biết thủ tục thế nào. Tìm hiểu một số dự án thì được tư vấn là phải tự làm thủ tục để đứng tên trong sổ đỏ, trong khi đó, người mua là người Việt Nam thì công ty đứng ra làm bìa đỏ cho họ”.

Trước băn khoăn của chị Thúy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM bày cách: “Chị phải có bản gốc giấy khai sinh chứng minh mình là người Việt Nam. Nếu không, chị làm thêm một hộ chiếu Việt Nam nữa thì thủ tục mua nhà cũng giống như người Việt Nam mà không có phân biệt gì”.

Dù vậy, chị Thúy cho biết, bạn chị là Việt kiều đã có hộ chiếu Việt Nam nhưng việc làm thủ tục cũng không hề đơn giản. Chính vì thế, chị Thúy cho biết, sẵn sàng trả thêm một khoản phí nhỏ để chủ đầu tư dự án bất động sản làm hộ các loại giấy tờ, chứ không muốn chạy tới chạy lui.

Ông Harry (người Úc) lại băn khoăn về quy định chỉ được sở hữu không quá 30% căn hộ trong một chung cư hoặc không quá 250 căn nhà trên khu vực có số dân tương đương đơn vị hành chính cấp phường.

Theo ông Harry, cơ quan nào sẽ là đơn vị cung cấp thông tin dự án còn đủ số lượng 30%, hay một đơn vị hành chính cấp phường có số dân là bao nhiêu? Quy định dân số cấp phường được thống nhất trên cả nước hay có phân biệt giữa các đô thị?

Trong khi đó, bà Carrollin (người Mỹ) lại bày tỏ e ngại về thời hạn sở hữu khi quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu 50 năm, sau đó xin gia hạn thêm theo quy định.

“Như vậy, trước khi hết hạn sở hữu nhà sẽ phải bán/tặng cho người được sở hữu nhà tại Việt Nam. Nếu không sẽ mất nhà. Điều này khác với người Việt Nam, khi mua nhà có đất sẽ được sở hữu vĩnh viễn”, bà Carrollin nói.

Trước nhiều băn khoăn của người nước ngoài về việc mua nhà tại Việt Nam, luật sư Lê Quang Vũ, Công ty Luật TNHH Một thành viên Trẻ khuyến cáo: “Người mua phải xác định mình thuộc đối tượng nào để chuẩn bị hồ sơ phù hợp. Căn nhà định mua phải thuộc dự án nhà thương mại và không nằm trong khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Cần làm rõ các điều kiện trước khi mua nhà”.

Trao đổi vấn đề này với một số sàn giao dịch bất động sản thì đa phần đều có ý kiến là người nước ngoài phải tự làm các thủ tục, sàn chỉ giúp thông tin về dự án và hướng dẫn ký hợp đồng. Bản thân các sàn cũng không nắm rõ về thủ tục làm sổ đỏ cho người nước ngoài, nên không dám “bao sân” như với người Việt Nam.

Vừa mất thời gian và nếu không đủ giấy tờ không bán được coi như mất công, mất sức, mất chi phí. Với người bán đã vậy, người mua chắc chắn sẽ “ngán ngẩm” khi đứng trước một rừng thủ tục, lại bất đồng về ngôn ngữ, thuê dịch vụ thì giá cao và ít nhất cũng phải trả trước 30% giá trị hợp đồng dịch vụ.

Có thể thấy, trở ngại cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một thực tế. Hiện trên thị trường cũng có nhiều dịch vụ tư vấn cho người nước ngoài mua nhà, song theo chị Ngọc Thúy, điều chị cần là một đơn vị làm dịch vụ có thể khẳng định chị mua được nhà trong thời gian bao lâu, giá cả như thế nào. Còn nếu không cam kết được điều đó, sẽ rất khó để mua nhà. Như vậy, điều người nước ngoài cần là “dịch vụ”, chứ không phải “tư vấn” trong việc sở hữu nhà tại Việt Nam.

Ý tưởng về một sàn giao dịch bất động sản tại TP. HCM cũng được một vài nhà môi giới tính đến, song theo họ, chỉ khi nào họ “thuộc đường đi” để người nước ngoài chỉ cung cấp giấy tờ cần thiết, ký hợp đồng là có tấm bìa đỏ trong tay, khi đó mới tính chuyện mở sàn.