Vì sao phải cần thiết ban hành Luật Quản lý nợ công sửa đổi?

PV.

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Dự thảo này đã thể hiện nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong công tác quản lý nợ công.

Cách thức tiếp cận và hiệu quả sử dụng quyết định chất lượng nợ công.
Cách thức tiếp cận và hiệu quả sử dụng quyết định chất lượng nợ công.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ: Qua 6 năm triển khai, Luật Quản lý nợ công 2009 đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường vốn trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình quản lý nợ công theo quy định của luật đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là cần thiết vì những lý do sau:

Trước hết, xuất phát từ yêu cầu phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan ban hành sau Luật Quản lý nợ công từ 2009 đến nay.

Ngoài việc phải đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Quản lý nợ công còn liên quan đến một số luật đã được Quốc hội ban hành thời gian qua như Luật NSNN (2015), Luật Đầu tư công (2014), Luật Tổ chức Chính phủ (2015), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (2015).

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến công tác quản lý nợ công nói riêng là hết sức cần thiết. 

Lý do quan trọng nữa là để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công.

Theo đó, các hạn chế, tồn tại của Luật liên quan đến việc phải làm rõ về phạm vi, công cụ quản lý nợ công; các tồn tại liên quan đến quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công và quản lý nợ công; công tác giám sát và đảm bảo an toàn nợ công; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.

Những tồn tại này đòi hỏi phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng giám sát nợ công cho phù hợp với tình hình mới.

Một yêu cầu khác là xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Theo đó, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã xác định mục tiêu, quan điểm và giải pháp về quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về sử dụng vốn vay và xử lý nợ công.

Qua đó, đã chỉ rõ sự cần thiết phải “hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công, nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế”.

Đồng thời, Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra mục tiêu kiểm soát an toàn nợ công, đồng thời yêu cầu “hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng điều chỉnh phạm vi nợ công hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam”.

Từ những lý do quan trọng nêu trên, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 20để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý đặt ra trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

Quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về sử dụng vốn vay và xử lý nợ công.