Việc tăng phí BOT được thực hiện đúng lộ trình
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, việc tăng phí tại các trạm BOT đang được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra và đã được xem xét tổng thể trên từng dự án.
Thời gian qua một loạt các trạm thu phí BOT trên toàn quốc đồng loạt tăng phí, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ vấn đề này cũng như nêu ra các giải pháp của Bộ nhằm giải quyết vấn đề nói trên.
Phóng viên: Thưa thứ trưởng, ông có thể giải thích vì sao trong thời gian qua một loạt các trạm thu phí BOT đồng loạt tăng phí đường bộ?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cùng phê duyệt phương án tài chính của các dự án BOT.
Theo đó, các phương án tài chính này có lộ trình tăng phí theo mức độ tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) cũng như lộ trình thời gian để hoàn vốn, đồng thời đảm bảo 3 lợi ích đó là lợi ích cho nhà đầu tư, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các ngân hàng thương mại cho vay vốn đối với dự án đó.
Vì thế, mỗi dự án BOT đều có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện rất rõ ràng.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có một vấn đề đặt ra là việc xây dựng một loạt các trạm thu phí BOT cùng trong giai đoạn 2011-2015, theo các lộ trình tăng phí sau 3 năm sẽ xem xét cho tăng phí một lần. Đến thời điểm này thì gần như các dự án BOT đều đến hạn của lộ trình được tăng phí mà phương án tài chính đã đặt ra cho các dự án BOT đó. Đây chính là lý do vì sao vừa qua một loạt các trạm thu phí BOT đồng loạt tăng phí.
Thưa thứ trưởng, để giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã có những giải pháp gì?
Có thể nói việc tăng phí đồng loạt của các trạm thu phí trên toàn quốc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Để giải quyết một cách thấu đáo, đảm bảo sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xem xét một cách tổng thể các dự án này.
Cụ thể, đối với các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc thực hiện thu phí kín (thu phí tính theo km) với mức trần hiện nay Bộ Tài chính cho phép cao nhất là 2.000 đồng/km/1 xe tiêu chuẩn, các trạm đã thực hiện mức thu phí dao động 1.000 - 1.500 đồng.
Có một số trạm đã đề xuất tăng lên 2.000 đồng/km/1xe tiêu chuẩn. Ví dụ như trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Đối với dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã có đề xuất xin tăng phí nhưng Bộ Giao thông Vận tải chưa chấp thuận, có thể phải để sau 30/6/2016.
Đối với các trạm thu trên các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT, hiện nay chủ yếu thu theo phương án tài chính nhưng trần mà nhà đầu tư được thu phí do Bộ Tài chính quy định chỉ cho phép tối đa là 45.000 đồng/trạm/lượt/1 xe tiêu chuẩn.
Theo báo cáo thì hiện nay mức thu phí của các trạm chủ yếu trong mức từ 30.000 - 40.000 đồng/trạm/lượt/1 xe tiêu chuẩn, một số trạm đã đưa lên mức cao nhất là 45.000 đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xem xét để tính toán đến lưu lượng ở các trạm, sức chịu đựng của người dân tại những vùng kinh tế đó để đưa ra lộ trình tăng phí phù hợp.
Với mức thu phí trung bình khoảng 35.000 đồng/lượt/1 xe tiêu chuẩn khi qua một trạm, với mức thu này, Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán đến tất cả các yếu tố đầu vào đầu ra cũng như đảm bảo tạo điều kiện giảm chi phí đi lại của người dân.
Để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các trạm thu phí BOT tăng cường bán vé tháng để giúp những doanh nghiệp có tần xuất xe đi qua lại nhiều sẽ giảm được chi phí (nếu mua vé tháng sẽ giảm được 15-20% tiền chi phí mua vé so với giá vé đi theo lượt hàng ngày).
Đối với người dân sống xung quanh các trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư BOT tiếp tục giảm phí vé tháng cho những đối tượng này). Ví dụ như trạm Hòa Bình (Quốc lộ 6), Trạm Hạc Trì (Quốc lộ 2), Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà đầu tư những dự án này giảm giá vé cho người dân và doanh nghiệp xung quanh khu vực trạm thu phí đó.
Vừa rồi xảy ra một số vụ phản đối việc tăng phí trên Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc tăng phí này hoàn toàn nằm trong lộ trình của Đề án xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nếu không tăng phí sẽ không đảm bảo được phương án hoàn vốn cho dự án này.
Có thể nói người dân và doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn cho nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhà nước phải kêu gọi nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Chúng ta cần phải so sánh khi đi trên một con đường tốt doanh nghiệp và người dân sẽ giảm được chi phí xăng dầu, thời gian, chi phí hao mòn máy móc...
Như vậy khi tính đến bài toán tổng thể so với những tuyến đường chưa được đầu tư bằng BOT thì người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều hơn so với chi phí phải trả khi qua các trạm BOT.
Có thể khẳng định một lần nữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đã cân nhắc rất kỹ lộ trình tăng phí của các trạm thu phí.
Tuy nhiên, với những biến động của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế thế giới có nhiều khó khăn thời gian qua dẫn tới người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh giá thu phí sao cho phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế.
Thứ trưởng có thể giải thích vì sao cùng một cung đường mà đặt quá nhiều trạm thu phí?
Thứ nhất, trên cùng một tuyến đường theo quy định về cơ bản các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km. Tuy nhiên trên thực tế có một số trạm được đặt cách nhau chỉ từ 60-70 km là do các trạm này không tìm được vị trí đặt đảm bảo cách nhau đúng 70km.
Nếu đặt vào đúng khoảng cách 70 km sẽ rơi vào khu đô thị, như vậy sẽ gây khó khăn hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ 2, còn quy định trong cùng một bán kính 50 km không có quá ba trạm. Về vấn đề này hiện tại các khu vực ở Tp. Hồ Chí Minh hay một số địa phương khác, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện triệt để chủ trương này.
Xin cám ơn ông!