Việt Nam cần cải cách hơn nữa để tiến lên thịnh cường
Đó là khuyến nghị chung được các chuyên gia của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra tại Lễ công bố Sách trắng 2019 ngày 14/3.
Trong đó, nhấn mạnh tới hai vấn đề bức thiết nhằm đảm bảo sự thành công trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam là: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là hai vấn đề được EuroCham cho rằng, sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Cơ hội lớn...
Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm là 5,3% kể từ khi thực hiện đổi mới – đây là mức tăng trưởng lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, đáng chý ý, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt mức 7,08%, vượt qua mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 và được ghi nhận là mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Sự tăng trưởng này là kết quả của cầu trong nước mạnh mẽ, cũng như sự gia tăng xuất khẩu, sản xuất và đầu tư nước ngoài. Sản xuất tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tăng gần 13% trong năm 2018, trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,76%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,85% và ngành dịch vụ tăng 7,03%.
Với kết quả trên, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong ngắn hạn, dự kiến ở mức 6,5%. Lý do là lợi tức nhân khẩu học của Việt Nam đang thúc đẩy sự tăng trưởng này. Theo Deloitte, khoảng 70 phần trăm số dân ở Việt Nam đang trong độ tuổi lao động. Trên hết, nhu cầu trong nước cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và dòng vốn FDI vào Việt Nam có nghĩa là xuất khẩu vẫn mạnh. Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và nằm trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất ở châu Á vào năm 2050.
Không chỉ có vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cũng được xem là động lực lớn thúc để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, khi có tới trên 99% các các dòng thuế sẽ được xóa bỏ với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Liên minh châu Âu.
Theo ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EuroCham, đây là lợi thế lớn để Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu). Ngoài ra, hiện định cũng hứa hẹn sẽ mang đến những thuận lợi và lợi ích tốt nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng ở cả Liên minh châu Âu và Việt Nam. Theo đó, ước tính trong 10 năm tới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 10-15% và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30-40%.
Trong đó, mức lương thực tế của lao động lành nghề có thể tăng đến 12% và mức lương thực tế của lao động nói chung có thể tăng 13%. Vì thế, ông Nicolas Audier cho rằng, một khi EVFTA được phê duyệt và thực thi sẽ giúp hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam có bước tăng trưởng đột phá.
... và những vấn đề cần tiếp tục cải cách
Mặc dù đánh giá cao sự nỗ lực cải cách của Việt Nam, song các chuyên gia của EuroCham cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đang ở phía trước. Việt Nam xếp vị trí thứ 77 theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), giảm 3 bậc so với năm ngoái.
Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam là nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 25), Thái Lan (xếp thứ 38), và Philippines (xếp thứ 56), nhưng chỉ xếp trên Campu-chia (xếp thứ 110) và Lào (xếp thứ 112).
Nhận thấy những thách thức này, Chính phủ đã thông qua một loạt các Nghị quyết để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam nhằm đạt mức trung bình của nhóm ASEAN-4 vào năm 2020.
Các cam kết của Chính phủ về việc hội nhập quốc tế nhiều hơn cũng đang giúp giải quyết vấn đề này như: sự tham gia của Việt Nam vào 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương với 59 nền kinh tế trên toàn thế giới đã giúp Chính phủ tiếp tục tiến hành các biện pháp để cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện khung pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi hơn, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý hành chính.
Tuy nhiên, để bước lên tầm cao mới, cởi mở hơn, tiến đến vị thế dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần nâng cao điều kiện sống của người dân, gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng và cải thiện khung pháp lý để giảm số lượng các lĩnh vực kinh doanh ‘có điều kiện’, loại bỏ yêu cầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài về việc xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư đã đăng ký để thành lập công ty con hoặc công ty liên doanh tại Việt Nam (do đó không cần Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), cũng như yêu cầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài về việc phải có được sự ‘Phê duyệt giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A)’ trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch M&A tư nhân nào.
EuroCham cũng cho rằng, Chính phủ cần giảm mức độ tùy ý của các cơ quan cấp phép địa phương liên quan đến việc rà soát và xem lại các điều khoản thương mại của giao dịch M&A, cải thiện tính rõ ràng và nhất quán của các thủ tục áp dụng cho giao dịch M&A và xóa bỏ sự khác biệt giữa các giao dịch đầu tư trực tiếp, gián tiếp và các tài khoản ngân hàng có mục đích đặc biệt tương ứng; đồng thời, tự do hóa luật kiểm soát ngoại hối của Việt Nam để tạo điều kiện cho việc đưa đồng ngoại tệ vào và ra khỏi Việt Nam dễ dàng và hiệu quả hơn, kể cả trong bối cảnh của các giao dịch M&A; sửa đổi thời hạn nộp tờ khai thuế cũng như nộp thuế cho các giao dịch M&Avà đảm bảo xử lý nhanh hơn và suôn sẻ hơn các thủ tục thông quan thuế cần thiết để thực hiện các giao dịch M&A và chuyển giá mua một cách thuận lợi.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần xem xét đưa ra hướng dẫn cho các Bộ và cơ quan liên quan để có kết luận kịp thời và phù hợp về việc áp dụng chính sách chuyển tiếp ưu đãi cho các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên được thực hiện trước ngày 1/1/2015 theo Luật 71/2014/QH13 sửa đổi các Luật về thuế.
Cơ quan thuế cũng nên áp dụng một cách tiếp cận hướng tới tương lai hơn với vấn đề chuyển giá để Nghị định 20/2017/NĐ-CP phù hợp với các quy định quốc tế; xem xét thích đáng đối với phân tích được thực hiện bởi người nộp thuế, cũng như các vấn đề liên quan tới
khấu trừ chi phí lãi. Việt Nam cũng cần đưa ra hướng dẫn hiệu quả hơn cho người nộp thuế trong quá trình áp dụng các hiệp ước thuế, đưa các dẫn chiếu đến các thông lệ quốc tế/chú thích của OECD như nguồn giải thích chính thức và hiệu quả cho người nộp thuế.
Theo EuroCham, trong lần xem xét quy định thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp theo, Việt Nam nên nêu rõ các loại chi phí sẽ được coi là chi phí không được khấu trừ trong trường hợp không đáp ứng các yêu cầu tuân thủ liên quan đến các quy định khác ngoài quy định thuế.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, tiếp tục áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất cũng như trong các ngành công nghiệp khác; đồng thời triển khai các sáng kiến tích cực như chính phủ điện tử, kinh tế số và xã hội số, hợp lý hóa và hiện đại hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, cũng như tính minh bạch các thủ tục hải quan. “Giải quyết tốt những vấn đề này, sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển” - ông Nicolas Audier nhấn mạnh.