Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin

PV

Theo bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hữu Thông
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hữu Thông

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị xuất khẩu dịch vụ CNTT 2017 (Vietnam ITO Conference 2017) - sự kiện thu hút gần 500 đại biểu, trong đó có 150 đại diện quốc tế đến từ 20 quốc gia, 250 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) CNTT của Việt Nam.

Hội nghị tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá năng lực của ngành dịch vụ CNTT Việt Nam về công nghệ mới (S.M.A.C, AI, IoT), dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO), xúc tiến đầu tư cho các địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng bằng sông Cửu Long... Bên cạnh đó, hội nghị còn mở rộng kết nối hướng đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao hay giới thiệu các công nghệ và giải pháp mới của doanh nghiệp CNTT.

Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù là nước đi sau so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam đang có các lợi thế, tiềm năng và uy tín đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Trong đó, phần mềm là một trong những ngành hoàn toàn có khả năng đứng vững trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt với các nước.

Hội nghị này giúp các DN phần mềm Việt Nam tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin hiệu quả để phát triển thị trường và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh, nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu tính các DN gia công, xuất khẩu dịch vụ CNTT có quy mô trên 1.000 người thì TP. Hồ Chí Minh có 11/14 DN (không tính Tập đoàn Viettel và VNPT). Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng để trở thành một điểm đến hàng đầu về cung cấp dịch vụ phần mềm và CNTT khu vực Đông Nam Á và châu Á

Bên cạnh đó, sự kiện lần này còn mở ra 250 cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các DN Việt Nam và quốc tế thông qua buổi giao lưu kết nối DN giữa các DN trong và ngoài nước, giúp các DN Việt Nam tìm kiếm đối tác và khách hàng tiềm năng, tìm thấy các mối quan hệ và nhà đầu tư chất lượng giúp mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế. Từ đó, giúp tạo nền tảng kinh doanh hiệu quả cho cả nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ CNTT tại Việt Nam.

Theo Hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, năm 2016, Việt Nam đã có hơn 67 tỷ USD được thu về trong lĩnh vực CNTT, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 60 tỷ USD.