Việt Nam có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN
Theo Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2022 được Coin98 phát hành ngày 26/2, giá trị các hoạt động giao dịch tài sản số ở Việt Nam lên tới 112,6 tỷ USD.
Theo Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2022 được Coin98 phát hành ngày 26/2, Việt Nam có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN sau Thái Lan và là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain.
2022 có thể coi là năm “thanh lọc” của thị trường crypto (tiền mã hoá), chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn nhất về xu hướng lẫn tính chất của ngành “tài chính - công nghệ” nhiều tranh cãi này.
Sự thay đổi của crypto chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế chung. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để hạn chế lạm phát, chứng khoán Mỹ có mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Do tương quan chặt chẽ với nền tài chính truyền thống vì được nhiều tổ chức lớn nắm giữ, thị trường crypto cũng sụt giảm rõ rệt.
Cụ thể, nhiều dự án, quỹ đầu tư crypto lớn phá sản như Terra, 3AC và FTX. Các tỷ phú Bitcoin mất phần lớn tài sản của mình như CZ mất 60 tỷ USD, Brian Armstrong mất 4,5 tỷ USD. Giá Bitcoin giảm hơn 60% trong năm 2022 xuống còn khoảng 17.000 USD. Thị trường NFT sụt giảm mạnh khi những NFT quý hiếm từng được bán với giá hàng triệu USD như CryptoPunk, giờ chỉ còn hơn trăm nghìn USD.
Sự sụt giảm mở ra năm 2023 đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội cho thị trường crypto. Những dự án bền bỉ, có sự chuẩn bị kỹ cho mùa thị trường “Bull Run” (trên đà tăng) sắp tới.
Góc nhìn về blockchain ở Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt trong 2022. Tuy chưa có hành lang pháp lý, Chính phủ Việt Nam bắt đầu hỗ trợ và tạo cơ hội phát triển cho công nghệ mới này khi có động thái nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Blockchain vào Giáo Dục, Kinh Tế và bắt đầu nghiên cứu luật cho crypto.
Việt Nam cũng là một quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận crypto. Nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng lớn nhất trên các sàn giao dịch crypto và cả những ứng dụng phi tập trung.
Với hơn 200 dự án crypto đến từ Việt Nam, trong đó có vài dự án từng đạt giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD - trở thành kỳ lân công nghệ nổi bật trong khu vực
Một trong những nguyên nhân được cho là giúp crypto phát triển nhanh chóng ở Việt Nam là sự bùng nổ của xu hướng “Play to Earn”. Sau khi Axie Infinity, một dự án Game Fi Việt Nam bùng nổ và đạt mức vốn hóa trên 9.7 tỷ USD, thị trường crypto ở Việt Nam đã tăng trưởng nóng. Nhiều dự án đạt mức vốn hóa trên 100 triệu USD, kéo theo nhiều người chơi và nhà đầu tư mới tham gia.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có dân số trẻ, và crypto trở thành một trong những kênh đầu tư ưa thích của nhà đầu tư. Rủi ro tuy lớn, nhưng đi kèm với lợi nhuận lớn là “khẩu vị” ưa thích của nhóm nhà đầu tư trẻ. Bản đồ crypto Việt Nam đã xuất hiện nhiều dự án kỳ lân và hiện trong giai đoạn “thiên thời, địa lợi” để chuyển mình, phát triển thành một trung tâm blockchain trên thế giới nếu biết nắm bắt cơ hội. Dù đang trải qua thời kỳ khó khăn, nhiều dự án phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều dự án Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng nhân sự trong “mùa đông tiền số” với niềm tin vào tương lai của Bitcoin.
Bức tranh crypto tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận tiền điện tử trong 2 năm liên tiếp 2021, 2022. Ngoài ra, Việt Nam cũng có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN sau Thái Lan và là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain.
Từ tháng 7/2021 đến 6/2022, giá trị các hoạt động giao dịch tài sản số ở Việt Nam lên tới 112,6 tỷ USD, cao hơn Singapore (101 tỷ USD). Theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động, trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau và phát triển chủ yếu ở mảng GameFi, DeFi và NFT.
Lĩnh vực crypto phát triển ở Việt Nam
Gaming/Metaverse
Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam dành 3,9 tiếng chơi game, cao hơn 10% so với Mỹ, theo Data.ai. Việt Nam cũng có 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) bao gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol. Do đó, số lượng dự án game blockchain chiếm đa số, khoảng 28,8% thị trường crypto Việt Nam. Nội dung trò chơi đa dạng, trải dài từ nuôi thú cưng, nhập vai, đến khoa học viễn tưởng.
Một trong những dự án game blockchain nổi bật nhất là Axie Infinity do Sky Mavis phát triển. Dự án có thời điểm đạt mức vốn hóa 9,7 tỷ USD. Bên cạnh Axie Infinity, còn có nhiều dự án blockchain nổi bật khác như Ancient8, Yield Guild Games, Thetan Arena, Sipher, Summoner Arena… cũng để lại nhiều dấu ấn trong thị trường crypto.
Dù vậy, cũng có hàng loạt dự án phát triển theo trào lưu, với rất nhiều dự án mang dấu hiệu lừa đảo như Zuki Moba, Crypto Bike… Những dự án mang dấu hiệu lừa đảo này khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền và dè chừng, mất niềm tin với các dự án crypto được phát triển bởi đội ngũ Việt Nam, đặc biệt với dự án có đội ngũ ẩn danh.
DeFi (Tài chính phi tập trung)
Ở thị trường Việt Nam, các dự án DeFi vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu, chưa tập trung nhiều vào việc tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận. Dù vậy, đây cũng là mảng có mức doanh thu hấp dẫn khi chiếm 38% tổng doanh thu toàn thị trường trong 8 tháng đầu 2022. Doanh thu của các dự án DeFi thường đến từ phí giao dịch. Mảng DeFi chiếm 26% thị trường crypto Việt Nam với các dự án DeFi nổi bật bao gồm Coin98 Finance, Kyber Network, Rikkei Finance…
NFT
NFT là 1 trong những mảng tạo ra nhiều doanh thu nhất trong thị trường crypto, nhất là các dự án phát triển NFT Marketplace. Tính đến 8 tháng đầu 2022, doanh thu của nhóm NFT Marketplace chiếm 49% toàn thị trường. Mảnh đất màu mỡ này chiếm 12,4% thị trường crypto Việt Nam với các dự án nổi bật bao gồm Axie Infinity, Spores, DareNFT, Titan Hunter…
Infrastructure
Các dự án cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ blockchain cũng chiếm phần lớn thị phần Việt Nam với 11,3%. Một số dự án nổi bật bao gồm TomoChain, được Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch lưu trữ văn bằng quốc gia trên blockchain do dự án này phát triển, hay dự án SotaTek từng có giai đoạn tăng trưởng 3.000% với 750 nhân sự.
Web3
Các dự án Web3 chiếm 5,1% tổng thị phần Việt Nam. Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), xuất hiện các dự án mã hóa BĐS và cho phép các nhà đầu tư bỏ số vốn cực thấp để có thể sở hữu một phần BĐS như MoonKa, Realbox… hay các dự án hỗ trợ người dùng trong lĩnh vực nghề nghiệp như DeHR (được ví như LinkedIn phi tập trung).
Wallet
Trong mảng Wallet (ví điện tử), xuất hiện nhiều dự án có sự phát triển nổi bật như Coin98 Wallet. Đây là ví điện tử hỗ trợ hơn 70 blockchain bao gồm Bitcoin, Ethereum, Binance Smart Chain, Polygon… Hiện dự án có hơn 5 triệu người sử dụng.
Bên cạnh Coin98 Wallet, nhiều dự án ví điện tử khác nổi bật có thể kể đến là Holdstation
Wallet, Krystal Wallet…
X to Earn
Trong năm 2022, sau khi trào lưu Move to Earn (M2E) do dự án StepN khởi xướng, có hàng loạt dự án M2E được phát triển tại Việt Nam như Calo Metaverse - dự án tập luyện thể thao kết hợp thực tế ảo với hơn 50.000 lượt tải cùng 7.200 người chơi hàng ngày, hay Run Togeter - dự án bán hết 7.413 NFT Shoes Box sau 30 phút mở bán và hơn 15.000 lượt tải sau 6 ngày. Ngoài ra, xuất hiện các dự án X to Earn khác như ShopNEXT (Shop to Earn), Crypstater (Work to Earn), beFITTER, GooRide, RUNNOW…
Vốn hóa token của doanh nghiệp crypto tại Việt Nam
Trong top 200 doanh nghiệp crypto hàng đầu thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập. Có trên 10 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100 triệu USD với mức ảnh hưởng trên toàn cầu. Nổi bật, có 3 dự án Việt từng đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD là Coin98, Axie Infinity và Kyber Network. Trong đó, Axie Infinity là dự án từng đạt mức vốn hóa lớn nhất với 9,7 tỷ USD.
|
Tính đến tháng 12/2022, vốn hóa token của những doanh nghiệp này có phần suy giảm giữa mùa đông tiền số. Dù vậy, Axie Infinity vẫn giữ mức vốn hóa gần 1 tỷ USD, Kyber Network giữ vốn hóa hơn 87 triệu USD, Onus hơn 45 triệu đô, Coin98 hơn 36 triệu USD…
Trong 2022, các dự án crypto Việt Nam kêu gọi thành công hơn 170,37 triệu USD, hầu hết dự án đều gọi vốn ở vòng hạt giống (Seed round). Dù vậy, doanh thu của một số dự án crypto Việt Nam tạo ra rất cao so với số vốn gọi được. Nổi bật có dự án Sky Mavis kêu gọi thành công tổng cộng 311 triệu USD qua 4 vòng, nâng mức định giá lên 3 tỷ USD. Đổi lại, dự án Axie Infinity giúp Sky Mavis kiếm được 4 tỷ USD doanh thu từ việc bán các NFT. Kyber Network cũng là dự án kêu gọi thành công 60,4 triệu USD qua 4 vòng và đạt mức lợi nhuận khoảng 12 triệu USD mỗi năm.
Theo Forbes, có 50 công ty tỷ đô hàng đầu trên thế giới áp dụng công nghệ blockchain bao gồm Amazon, Google, Samsung, Facebook…
|
Các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng không bỏ lỡ cuộc đua công nghệ này khi có trên 10 doanh nghiệp thử nghiệm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Trong đó, tài chính ngân hàng là lĩnh vực được áp dụng công nghệ blockchain nhiều nhất, bên cạnh các hoạt động quản lý điểm thưởng, thông tin cá nhân.