Việt Nam dễ bị “tổn thương” từ rửa tiền
Tội phạm rửa tiền đang là vấn nạn của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo Ngân hàng Nhà nước, mức độ tổn thương về rửa tiền của Việt Nam ở mức trung bình cao do những nhân tố về phòng, chống rửa tiền hiện nay còn yếu.
Hạn chế về chính sách, pháp luật
Đến nay, Việt Nam đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, kế hoạch tương đối đầy đủ và toàn diện về phòng, chống rửa tiền, bao gồm: Quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống rửa tiền, các văn bản hướng dẫn Luật và một số văn bản chuyên ngành khác. Tội danh rửa tiền được áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
Luật phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Cùng với các văn bản hướng dẫn luật, công tác phòng, chống thực sự đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế như: một số nội dung chưa được quy định đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế và yêu cầu thực tiễn như các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; chủ sở hữu hưởng lợi; đánh giá rủi ro khách hàng; người có ảnh hưởng chính trị; giám sát đặc biệt giao dịch.
Theo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước), từ năm 2010 đến năm 2017, Cục đã tiếp nhận 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong đó khối ngân hàng chiếm 83,46%. Mặc dù đã tăng qua các năm nhưng số lượng báo cáo từ các lĩnh vực, ngành nghề khác còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tính chất, quy mô hoạt động của lĩnh vực, ngành nghề này.
Với vai trò là đơn vị tình báo tài chính, Cục Phòng, chống rửa tiền đã đưa ra nhiều cảnh báo cho các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo liên quan đến các hiện tượng gian lận, lừa đảo và các hành vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, do Cục Phòng, chống rửa tiền là một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nên còn hạn chế trong việc thực hiện chức năng của một Đơn vị tình báo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (thu thập, chuyển giao thông tin); trong việc ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin trong và ngoài nước...
Điểm yếu trong công tác điều tra, xét xử
Việt Nam không có chức danh điều tra viên chuyên trách về tội phạm rửa tiền cũng như các tội phạm khác. Các điều tra viên theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiến hành điều tra tội phạm kinh tế nói chung, trong đó có tội danh “rửa tiền” và các tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Việc giao nhiệm vụ và tổ chức các nhóm điều tra viên chuyên biệt sẽ do sự bố trí và phân công công tác của lãnh đạo cấp trên.
Từ năm 2013 đến năm 2015, từ thông tin do Cục Phòng, chống rửa tiền chuyển giao, cơ quan công an đã và đang tiến hành xác minh, điều tra nhiều vụ việc, trong đó đã khởi tố 15 vụ án với các tội danh như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, đánh bạc, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có... Tuy nhiên, chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến rửa tiền.
Mặc dù Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 nhưng kết quả điều tra, truy tố, xét xử đối với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố còn rất khiêm tốn. Đến nay, Việt Nam mới chỉ kết án một vụ rửa tiền trong vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (năm 2016). Trên thực tế, một số hành vi cấu thành tội rửa tiền đã được các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố và xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, mà không khởi tố, xét xử tội rửa tiền. Các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam chỉ mới tập trung vào điều tra tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Điều này là một điểm yếu trong hệ thống phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Hạn hẹp về thông tin và bằng chứng đáng tin cậy
Về cơ sở hạ tầng nhận dạng đáng tin cậy, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ và phục vụ công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành có liên quan. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm hệ thống xác định danh tính, được bảo mật, đầy đủ và tin cậy để hỗ trợ quá trình xác minh thông tin của cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế để các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có thể kết nối phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác, trong đó có các hệ thống cơ sở dữ liệu có độ chính xác cao như: cơ sở dữ liệu căn cước công dân quốc gia, dữ liệu cư trú, dữ liệu hộ tịch điện tử…
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các định chế tài chính có thể khai thác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Tuy nhiên, hệ thống căn cước công dân có yếu tố bảo mật cao và chỉ cung cấp, trả lời thông tin để phục vụ công tác nghiệp vụ và một số hoạt động theo quy định của pháp luật... cũng gây khó khăn trong công tác tiếp cận thông tin đáng tin cậy nhằm phòng, chống rửa tiền.
Ngoài hạ tầng nhận dạng đáng tin cậy, khi thực hiện nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, các đơn vị, tổ chức có thể dựa vào thông tin của kiểm toán độc lập. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật, chuẩn mực kiểm toán độc lập đã được xây dựng tương đối đầy đủ, hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định, các công ty đại chúng phải thực hiện công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán (kèm theo báo cáo kiểm toán). Do đó, người sử dụng báo cáo tài chính có thể tiếp cận tương đối dễ dàng với báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp là công ty đại chúng. Tuy nhiên, các thông tin và bằng chứng tin cậy phục vụ cho việc nhận dạng khách hàng nhìn chung còn chưa đa dạng và một số thông tin khó có thể truy cập do những ràng buộc pháp lý.
Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Do đó, cần có những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng, chống rửa tiền; Xem xét khởi tố, xét xử cả tội rửa tiền bên cạnh tội phạm nguồn; Mở rộng, đa dạng hóa cơ sở dữ liệu về thông tin và bằng chứng đáng tin cậy.