Việt Nam hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận
Thực tiễn cho thấy chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương. Chương trình hành động BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế.
Ngày 22/2/2017, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 tại TP. Nha Trang, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã chủ trì tổ chức Hội thảo về Triển khai chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC. Tại Hội thảo, các vấn đề về bối cảnh triển khai BEPS và giải pháp thực thi BEPS cho các nền kinh tế thành viên APEC được thảo luận.
Trong tham luận trình bày tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều hoạt động triển khai Chương trình hành động BEPS, đồng thời đang xin chủ trương tham gia vào Diễn đàn hợp tác chung BEPS – Diễn đàn do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thiết lập cho các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD/G20 cùng thực hiện Đề án BEPS.
Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ thu NSNN vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Đến năm 2018, phần lớn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sâu có tác động không nhỏ tới thâm hụt thu NSNN. Do đó, việc nghiên cứu triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách bền vững hiệu quả là cần thiết.
BEPS là vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi nhiều giải pháp trên cơ sở hợp tác đa phương, các biện pháp đơn phương và song phương sẽ không khả thi khi các công ty đa quốc gia ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu. Việc triển khai Chương trình BEPS góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của ngành Thuế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt để chuẩn bị các điều kiện về thể chế và quản lý của ngành thuế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Việc tham gia vào Diễn đàn hợp tác chung BEPS đặc biệt thiết thực với Việt Nam, giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Vì thế, để tham gia vào Diễn đàn hợp tác chung, Việt Nam cam kết thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu (04 tiêu chuẩn) mà OECD đã đề ra đối với các nước không phải là thành viên của Tổ chức này.
Bộ Tài chính Việt Nam (Tổng cục Thuế) đã thành lập Ban công tác về triển khai Chương trình hành động BEPS. Ban công tác có nhiệm vụ:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Chương trình BEPS;
- Nghiên cứu, rà soát đánh giá 04 tiêu chuẩn tối thiểu để tham gia Diễn đàn hợp tác chung về BEPS;
- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi bổ sung về chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện Chương trình BEPS;
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, lợi ích, tác động, thuận lợi và thách thức khi tham gia Diễn đàn hợp tác chung về BEPS của OECD ở cấp quốc gia sau khi lấy ý kiến các bộ/ngành liên quan.