APEC 2017 - Tìm giải pháp tài chính sáng tạo để hội nhập phát triển

PV.

Các hoạt động đầu tiên của năm APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam đã chính thức được bắt đầu từ 18/2/2017 tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là vinh dự lớn, thể hiện sự tín nhiệm của 21 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với vai trò dẫn dắt tiến trình hợp tác APEC của Việt Nam. Nhân sự kiện này, ngành Tài chính Việt Nam nắm bắt cơ hội tìm ra các giải pháp tài chính sáng tạo để không ngừng hội nhập, phát triển.

Chủ đề “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai” tập trung tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai.
Chủ đề “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai” tập trung tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai.

Động lực mới về tài chính   

Sau 11 năm, kể từ năm 2006, Việt Nam lại tiếp nhận trọng trách chủ nhà APEC 2017. Với chủ đề quốc gia “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các hoạt động hợp tác của năm APEC 2017 sẽ tập trung vào 4 ưu tiên quốc gia về: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMSE) trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc lựa chọn chủ đề và các ưu tiên quốc gia trong năm APEC 2017 của Việt Nam cho thấy tinh thần đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà APEC hướng tới những động lực mới cho hợp tác và tăng trưởng kinh tế khu vực.

Phân tích dưới góc độ tài chính, ông Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: Việc tìm kiếm các động lực mới sẽ tập trung vào những giải pháp tài chính sáng tạo nhằm huy động các nguồn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, tìm kiếm các công cụ tài chính mới giúp cải thiện bền vững tài chính ứng phó với những rủi ro thiên tai, phát triển các chính sách tài chính tạo điều kiện để các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh và các đối tượng khác trong xã hội có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, qua đó cải thiện cơ hội kinh doanh và phát triển của mình.

Các động lực mới về tài chính không chỉ giúp ngân sách nhà nước có thêm các nguồn lực đầu tư phát triển được huy động từ khu vực tư nhân, mà còn giúp từng doanh nghiệp, từng cá nhân có được các nguồn vốn hỗ trợ với chi phí thấp và điều kiện ưu đãi, giảm bớt gánh nặng tài chính khi xảy ra rủi ro thiên tai thông qua các công cụ tài chính và bảo hiểm. Đây không chỉ là những vấn đề riêng Việt Nam phải đối mặt mà là những vấn đề mà nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trăn trở giải quyết.

Với việc chủ trì hợp tác, tìm kiếm những giải pháp để giải quyết các vấn đề khu vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết những nút thắt về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Việt Nam đang cho thấy vai trò dẫn dắt của mình trong tiến trình hợp tác APEC, phối hợp các nỗ lực chung nhằm giải quyết các thách thức của khu vực” – ông Thăng khẳng định.

Việc Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ nhà APEC 2017 không chỉ là cơ hội nâng cao vị thế quốc gia trên các diễn đàn quốc tế quan trọng mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh của mình.

Với việc các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng tài chính các nền kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ đến Việt Nam tham gia các sự kiện APEC, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc, đối thoại với các nhà lập chính sách tài chính có tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua các sự kiện đối thoại giữa doanh nghiệp và quan chức như các phiên thảo luận của Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) với các bộ trưởng tài chính, hoặc Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc doanh nghiệp (CEO Summit) được tổ chức bên lề các hội nghị chính thức.

Bên cạnh đó, việc gặp gỡ trực tiếp giám đốc, chủ tịch các tập đoàn lớn của khu vực đến tham gia vào các sự kiện APEC cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm các đối tác và phát triển các thị trường mới.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Vũ Nhữ Thăng cho rằng: Để nắm bắt các cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các đối tác sẽ tham dự các sự kiện APEC trong năm 2017, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện doanh nghiệp như VCCI và ABAC, tích cực tham gia vào các hoạt động APEC trong năm.

Tập trung vào các tiềm năng phát triển   

Trong tiến trình hợp tác APEC chung của quốc gia, không thể không nhắc tới việc hợp tác tài chính. Chính vì vậy, Bộ Tài chính lựa chọn chủ đề chung của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 cũng là chủ đề chung quốc gia “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trên cơ sở cân nhắc các lĩnh vực ưu tiên hợp tác tài chính của Việt Nam, các lĩnh vực quan tâm chung của khu vực APEC và kế thừa kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính trước đây, đặc biệt là Kế hoạch hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính thông qua tại Hội nghị BTTC APEC tháng 9/2015 tại Philippines, Bộ Tài chính đề xuất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác tài chính cho Năm APEC 2017.

Chủ đề thứ nhất về “Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và các Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS”, trong đó tập trung tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC nhằm triển khai các gói hành động Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS của OECD. Chủ đề thứ hai về “Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng”, trong đó nhấn mạnh vào vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng các dự án PPP khả thi, qua đó thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực.

Chủ đề thứ ba về “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai” tập trung tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, trong đó bao gồm cả việc xây dựng Chiến lược toàn diện về các giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai và các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai. Chủ đề thứ tư về “Tài chính toàn diện” hướng tới thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

Các chủ đề này đều là những chủ đề nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính thông qua tháng 10/2015 và là những vấn đề được các nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm. Đây cũng là những nội dung mà Việt Nam có tiềm năng phát triển và đang định hướng triển khai trong thời gian tới.

Các hoạt động hợp tác xoay quanh các chủ đề này sẽ được triển khai tích cực trong năm 2017, và kết quả hợp tác sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 tháng 10/2017 để các Bộ trưởng thông qua và chỉ đạo hoạt động cho các năm tiếp theo.

Với sự tham gia của các nhà lãnh đạo tài chính có tầm ảnh hưởng toàn cầu, chủ tịch và tổng thư ký của các tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF, OECD, ADB, sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ là dấu mốc quan trọng của cả tiến trình hợp tác APEC 2017 do Việt Nam chủ trì.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị, ông Vũ Nhữ Thăng cho biết: Với sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo triển khai tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (theo Quyết định 690/QĐ-BTC ngày 7/4/2016) và các tiểu ban đã xây dựng trình Bộ phê duyệt Đề án về tổ chức các hội nghị thuộc tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, cùng các Đề án chi tiết về công tác Nội dung, Lễ tân - Hậu cần, Thông tin - Tuyên truyền, làm căn cứ để triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Năm APEC 2017 mà trước mắt là Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2017, sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho các hoạt động hợp tác trong năm.

Các tiểu ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo các hoạt động hợp tác trong năm đáp ứng được các yêu cầu cao của khu vực APEC đạt được những kết quả cụ thể và thiết thực trong hợp tác, và đảm bảo thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.