Việt Nam hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Các nhà khoa học dự báo, đến giai đoạn 2025 - 2030, nhân loại sẽ có hơn 20 sản phẩm công nghệ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời sẵn sàng hướng tới “quỹ đạo” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0).
Nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Khái niệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) xuất hiện đầu tiên cách đây hơn sáu năm tại Đức. Đầu năm 2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 tổ chức ở Thụy Sĩ với sự có mặt của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách từ hơn 100 nước trên thế giới, chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được phân tích, mổ xẻ một cách sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn.
Đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình và phương thức sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các công nghệ đang và sẽ tác động mạnh vào đời sống của con người là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây…
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, trong tương lai không xa (dự kiến đến năm 2030) trên thế giới sẽ có 90% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 30% công việc kiểm toán trong các công ty, doanh nghiệp được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo, khoảng 80% hình ảnh người dân hiện diện số trên internet, 10% ô-tô chạy trên đường ở Mỹ không cần người lái; lúc đó cũng xuất hiện dược sĩ robot đầu tiên và triển khai ghép tạng trên người bằng công nghệ in 3D…
Rõ ràng CMCN 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực; thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả; tạo bước đột phá về tốc độ phát triển cũng như làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và hoạt động quản trị xã hội cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Bên cạnh những tác động tích cực to lớn, CMCN 4.0 đặt ra không ít thách thức, nhất là sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn nhân lực và thị trường lao động. Các hệ thống máy móc tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, dĩ nhiên tỷ lệ lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng khiến người lao động trình độ thấp hoặc không được đào tạo sẽ bị đào thải.
Việt Nam giải “bài toán” 4.0
Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng trình độ sản xuất trong các nhà máy, doanh nghiệp phần lớn ở trạng thái của cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đồng thời có một số ít yếu tố của cách mạng công nghiệp 4.0.
Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng các lợi thế, mặt khác giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0, đầu tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Trong Chỉ thị, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương từ nay đến năm 2020 cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra.
Trong đó, nhấn mạnh tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, công tác ứng dụng và nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông trong phạm vi cả nước; từng bước tiếp cận, nghiên cứu và phát triển mạng truyền thông di động 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất có thể. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương kết nối các chương trình nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Đáng chú ý, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nền giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế, bất cập lâu nay ở nước ta phải có những cải cách và đổi mới cơ bản, toàn diện. Cũng chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc thí điểm và khẩn trương triển khai mô hình giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông.
Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Việc học các môn học STEM (mang tính tích hợp cao) không chỉ giúp người học sớm làm quen với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà còn giúp họ khả năng định hướng, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Một trong những hạn chế, yếu kém dễ thấy lâu nay là năng lực nghiên cứu sáng tạo, sự kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hầu như chưa có. Chính vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong các trường đại học chuyên đào tạo về kỹ thuật, công nghệ.
Trước mắt, ưu tiên các ngành và lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Nhất là tạo sự bứt phá về công nghệ thông tin, tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng mới theo xu thế tất yếu của các công nghệ Iot, Big data, Cloud… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động sản xuất nhanh hơn, thông minh hơn và chất lượng cao hơn. Chỉ có như vậy chúng ta mới mong tránh được khoảng cách tụt hậu khá xa so các nước công nghiệp phát triển và hướng đến mục tiêu cao đẹp là “Khát vọng phồn vinh toàn dân tộc”.