Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong ASEAN


Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong ASEAN và thứ 14 của châu Âu trên thế giới.

Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Châu Âu, do VCCI Hồ Chí Minh tổ chức - Ảnh: Đình Đại.
Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Châu Âu, do VCCI Hồ Chí Minh tổ chức - Ảnh: Đình Đại.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành nêu tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Châu Âu, do VCCI HCM tổ chức sáng ngày 21/8, tại TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, hiện nay, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khuôn khổ hợp tác đầy đủ với châu Âu. Trải qua gần 4 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong đó có đến hơn 2 năm Việt Nam, châu Âu và cả thế giới phải hứng chịu những tác động to lớn đến từ đại dịch COVID-19. EVFTA đã cho thấy vai trò to lớn trong việc giữ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và tạo ra xung lực mới cho thương mại hai bên cũng như xu hướng tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, là một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á và là một trong những đối tác thân thiết của châu Âu, Việt Nam thấy rõ giá trị hợp tác với châu Âu trên nhiều lĩnh vực. Châu Âu hiện là đối tác phát triển lớn nhất của Việt Nam; đối tác thương mại lớn thứ 5 và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong ASEAN và thứ 14 của châu Âu trên thế giới.

Ông Thành cho rằng, nhờ Hiệp định EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.

Người dân đã được mua các sản phẩm nông sản từ châu Âu với mức giá phù hợp. Cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ở chiều ngược lại, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang châu Âu như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy hải sản và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, năm 2024, hoạt động thương mại song phương Việt Nam - châu Âu ghi nhận khởi đầu khả quan khi tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực, bất chấp kinh tế khu vực vẫn đổi mặt với nhiều khó khăn, bất ổn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 32,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu tăng 15,4%, đạt trên 24,69 tỷ USD, nhập khẩu tăng 7,7%, đạt trên 7,69 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng năm 2024 Việt Nam xuất siêu sang châu Âu gần 17 tỷ USD, tăng 19,2% so với 6 tháng năm 2023.

“Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa châu Âu và Việt Nam rất tích cực, nhưng tôi cho rằng vẫn còn khá nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của doanh nghiệp và Chính phủ hai bên. Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ; quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa sẽ ngày càng sâu sắc và thiết thực hơn, cũng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp hai bên phải chủ động, tích cực hơn nữa để bắt kịp với các xu thế mới”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, với Hiệp định EVFTA, châu Âu đã mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ở độ mở cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, châu Âu cũng là một thị trường khó tính, đòi hỏi đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, thị trường này rất chú trọng đến các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.

Trong năm 2024, châu Âu đã ban hành hàng loạt các đạo luật mới. Ví dụ, Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới – Carbon Border Adjustment Mechanism (gọi tắt là CBAM); Quy định chống suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation - EUDR).. Những đạo luật này, hay Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, dệt may, da giầy, gỗ, cao su…

Do đó, ông Thành cho rằng, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, việc đáp ứng các “tiêu chí bền vững” là yếu tố hết sức quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Đây có thể được nhìn nhận như thách thức xen lẫn cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội tại, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Với vai trò là tổ chức xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI luôn chủ động và tính cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng năm chúng tôi triển khai rất nhiều các hoạt động như: Diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm, tìm kiếm đối tác và tiếp đón hàng trăm đoàn doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới. VCCI cũng là đơn vị tiên phong trong thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi kinh doanh bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng cho biết, năm 2024, VCCI đã tổ chức lễ công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Đây là chương trình nhằm khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Tôi tin rằng, sau đại dịch COVID-19 vừa qua chúng ta đều cảm nhận rõ rệt vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Đó không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là ngọn hải đăng để doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ thêm.

Ông cũng mong phía châu Âu sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam, bao gồm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật - chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, ông đề nghị các nhà đầu tư châu Âu quan tâm và tăng cường hợp tác với các tỉnh thành, địa phương của Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều tỉnh thành, địa phương có chính quyền năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống giao thông, đường xá, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Những địa phương này hoàn toàn phù hợp để hợp tác đầu tư, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao sang châu Âu và các thị trường khác trên thế giới.

Theo Đình Đại/Diendandoanhnghiep.vn