Việt Nam là lựa chọn số 1 trong ASEAN cho doanh nghiệp Mỹ

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Theo khảo sát mới nhất của Asean Business Outlook Survey (ABOS), Việt Nam là lựa chọn số 1 Đông Nam Á cho các doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kết quả của ABOS, có tới 40% các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại ASEAN lựa chọn Việt Nam là nơi tiếp theo để mở rộng hoạt động kinh doanh, so với 38% của Indonesia. Như vậy, sau 2 năm liền bị mất ngôi quán quân vào tay Indonesia, Việt Nam đã trở lại vị trí số một. Ngoài ra, có 34% doanh nghiệp Mỹ lựa chọn Myanmar, và 30% chọn Thái Lan.

Được thực hiện bởi Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Singapore và có sự hợp tác của các Amcham ở những nước ASEAN khác, ABOS là kết quả khảo sát khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Đông Nam Á.

Nhìn chung, kết quả ABOS có rất nhiều điều đáng khích lệ cho Việt Nam. 80% số doanh nghiệp Mỹ đã có mặt tại Việt Nam cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng thêm hoạt động, và 61% có ý định tuyển dụng thêm nhân lực trong năm nay. 72% số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho rằng môi trường đầu tư trong nước đang được cải thiện, và 87% tin rằng lợi nhuận của họ sẽ gia tăng trong năm 2017.

Về mặt chất lượng nhân sự, người Việt Nam được cũng đánh giá khá tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự có ngoại ngữ tốt chỉ là 25%, so với 46% tại Thái Lan.

Đặc biệt, năng lực kế toán và công nghệ thông tin của người Việt xem ra là tốt nhất Đông Nam Á, với chỉ lần lượt 3% và 13% doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn trong tuyển dụng. Đây là điều rất đáng nể nếu so với các con số tương tự của Singapore là 17% và 42%.

Bên cạnh đó, ABOS cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc về kế hoạch mở rộng sang nước ASEAN nào tiếp theo. Theo đó, Malaysia là lựa chọn hàng đầu với tỷ lệ 19%, theo ngay sau đó là Việt Nam với 17%.

Đánh giá về hiệp định TPP, 75% số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam tin rằng hiệp định này sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh của họ, và chỉ 1% tin vào điều ngược lại.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng vẫn còn nhiều yếu tố cần phải cải thiện. Chỉ có 6% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam hài lòng với sự trong sạch trong bộ máy công quyền. Dù đây không phải là kết quả quá kém nếu so với Indonesia (5%) hay Thái Lan (7%), nhưng so với Singapore (95%) và Brunei (53%) thì Việt Nam rõ ràng còn cần phải cố gắng nhiều.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ chưa hài lòng với các cơ quan hải quan (46%) và thuế vụ (42%) cũng là khá cao. Đáng chú ý hơn, chỉ có 9% hài lòng với hệ thống luật pháp, và có đến 89% tin rằng việc thực thi luật pháp chưa được công bằng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự quản lý và lãnh đạo tại Việt Nam là tương đối cao (62%) so với các nước khác.