Trang thông tin Bloomberg:

Việt Nam là nền kinh tế nổi trội

Theo nhandan.vn

Ngày 19/1, trang thông tin Bloomberg đã có bài viết đánh giá Việt Nam đang là thị trường kinh tế nổi bật trong các nền kinh tế mới nổi và sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, bằng với tốc độ của năm 2015. Nguồn: zing.vn
Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, bằng với tốc độ của năm 2015. Nguồn: zing.vn

Trong khi những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang suy giảm, thì Bloomberg dự báo, tốc độ tăng trưởng vững chắc ở mức gần 7% trong năm 2016 sẽ đưa Việt Nam vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Bloomberg viết, nhu cầu nội địa tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ đang giúp quốc gia Đông Nam Á này đối phó với các rủi ro đến từ các làn sóng phá giá tiền tệ và suy giảm chứng khoán toàn cầu.

Trong bài viết, chuyên gia cao cấp nghiên cứu về châu Á tại ngân hàng Natixis, Trinh Nguyen đưa ra nhận định: “Trong môi trường kinh tế toàn cầu suy giảm như hiện nay, nhu cầu nội địa sẽ lên ngôi vương. Người dân Việt Nam đang ngày càng lạc quan hơn về tương lai. Kinh tế Việt Nam sẽ vượt lên ở cả khu vực và trên toàn thế giới”.

Bloomberg cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, với việc các nhà đầu tư nước ngoài mua vào năm thứ 10 liên tiếp.

Dẫn kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, Bloomberg cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm. Kết quả khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, bằng với tốc độ của năm 2015.

Bloomberg dẫn một báo cáo khác của nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ do bà Eugenia Victorino dẫn đầu, nhận định: “Trong hai năm 2016 và 2017, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.

Bà Victorino cũng đánh giá cao các nỗ lực điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn của Ngân hàng Nhà nước, sẽ giúp tăng cường sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo: “Câu chuyện về tăng trưởng nhanh của Việt Nam có thể bị chệch hướng, nếu thâm hụt thương mại do nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như nhập khẩu ô tô tăng quá mạnh”.