Việt Nam lập chiến lược thu hút hiện diện của 500 tập đoàn lớn nhất thế giới

Theo Hạ An/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Chiến lược này đặt mục tiêu tăng 50% số lượng nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Các quốc gia đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, bao gồm:

Với khu vực châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines;

Với khu vực châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh;

Và châu Mỹ: Hoa Kỳ.

Đồng thời, Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam.

Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Để đạt được những mục tiêu này, Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 đưa ra 9 giải pháp.

Kiến tạo môi trường công bằng, thông thoáng và minh bạch

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, về thể chế thì cần tăng cường sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; Cải thiện khả năng dự báo, tính minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Nghiên cứu xây dựng cơ chế áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực chiến lược, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia,...

Về cơ sở hạ tầng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho khối FDI tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, chú trọng mô hình hợp tác PPP; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại; ban hành danh mục ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về thị trường hàng hoá, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các FTA; rà soát các chính sách, biện pháp, hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với khu vực FDI; hình thành đầy đủ và đảm bảo vận hành hiệu quả các thị trường phục vụ cho sản xuất hàng hoá như tài chính, đất đai, lao động, công nghệ,...

Thứ ba, phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, thúc đẩy và nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng các hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện cho doanh nghiệp Việt Nam; Hoàn thiện khung pháp lý về xác lập, bảo vệ thương mại hoá quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút FDI: Xây dựng chính sách thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; từng bước chuyển từ thu hút FDI phù hợp với nhóm sản phẩm hiện có trong nước sang đón đầu và xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao khả năng thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm ưu tiên trong từng giai đoạn; Xây dựng thể chế, chính sách cho khu kinh tế, khu công nghiệp, công nghệ cao,...đảm bảo tính liên kết, đồng bộ.

Thứ năm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan toả: Đánh giá hiện trạng, xu hướng công nghệ và thị trường, xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả; Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi để tăng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; Hoàn thiện môi trường pháp lý chuyển giao công nghệ trên cơ sở xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Thứ sáu, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác ĐTNN. Cụ thể, đẩy mạnh việc thực thi các nhóm chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động để phát triển năng lực của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, nghiên cứu thành lập Uỷ ban năng suất quốc gia và xây dựng Chiến lược nâng cao năng suất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực cũng như phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa để liên doanh, liên kết với khu vực ĐTNN, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.

Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, tiến tới sở hữu và làm chủ công nghệ.

Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đánh giá, lựa chọn và tiếp nhận công nghệ được chuyển giao từ doanh nghiệp ĐTNN, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và phù hợp với mục tiêu phát triển công nghệ quốc gia trong từng giai đoạn.

Xử lý dứt điểm dự án ô nhiễm, thua lỗ, không hiệu quả

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế: Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện; Triển khai các biện pháp đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.

Thứ tám, hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thực chất, có hiệu quả, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; Chủ động tiếp cận, vận động linh hoạt qua nhiều kênh khác nhau; Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; Xây dựng bộ thương hiệu và hình ảnh phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư.

Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN. Trong đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp, điều chỉnh, thu hồi dự án ĐTNN, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư,... Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không triển khai hoặc không thực hiện đúng cam kết,...