Việt Nam - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đó là đánh giá của tờ Financial Times về vị trí của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Vì thế, Việt Nam cần sớm chấm dứt các hành động phản đối Trung Quốc quá khích tại các khu công nghiệp để bảo vệ ưu thế của mình.

Việt Nam - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn: internet
Việt Nam - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn: internet
Ngành sản xuất phát triển mạnh, chiếm 17% GDP, đã và đang thúc đẩy việc trao đổi ngoại hối rất cần cho Việt Nam.

Điều gì tạo nên cơn bùng nổ sản xuất?

Lương công nhân ở Trung Quốc chiếm 10 -15% chi phí sản xuất hàng năm khiến cho ngày càng nhiều các nhà sản xuất chuyển hướng sang các thị trường rẻ hơn. Việt Nam bên cạnh Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhờ có lực lượng lao động sẵn sàng trong dân số 90 triệu và có nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn quốc tế.

Các hãng điện tử khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung, LG, hay các nhà sản xuất của Nhật Bản như hãng máy in Fuji Xerox cho đến sản xuất lốp xe Bridgestone là một vài ví dụ về các hãng đã bỏ hàng tỷ đô la Mỹ để đầu tư mới hoặc mở rộng các cơ sở ở Việt Nam. Theo Bloomberg, sau khi Samsung khai trương nhà máy trị giá 2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015, 40% điện thoại của hãng này sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Công nghiệp xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam như thế nào?

Năm ngoái trong khi nền kinh tế trong nước ở Việt Nam giữ mức cũ, xuất khẩu từ các sản phẩm không phải là dầu mỏ của các công ty nước ngoài đã tăng thêm 27% lên 88 tỷ USD, chiếm 2/3 toàn bộ giá trị xuất khẩu của nền kinh tế với GDP 170 tỷ USD. Chủ yếu nhờ Samsung, xuất khẩu điện thoại di động tăng thêm 69% lên 21 tỷ USD. Xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong năm nay với việc xuất khẩu điện thoại di động tăng 29% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Lao động Việt Nam rẻ hơn bao nhiêu?

Do Việt Nam có mức lương tối thiểu khác nhau ở các vùng khác nhau, năng suất lao động nói chung thấp hơn ở Trung Quốc, cho nên khó có thể so sánh chính xác đầu tư vào Việt Nam rẻ hơn vào Trung Quốc bao nhiêu. Giám đốc các công ty sản xuất nước ngoài ở Việt Nam cho biết lương cơ bản của công nhân không có kỹ năng vào khoảng 130 - 150 USD, bằng một nửa lương họ phải trả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí lao động tăng nhanh ở Việt Nam do tăng lương tối thiểu lên 15% trong năm nay.

Các nhà sản xuất nước ngoài đánh giá rủi ro chính trị ở Việt Nam như thế nào?

Trước khi xảy ra các cuộc phản đối Trung Quốc, hầu hết các nhà sản xuất nước ngoài đều coi Việt Nam là địa điểm rất an toàn để đầu tư. Trong đó, các công ty Nhật Bản tăng cường chuyển hướng sang Việt Nam vì lo ngại các hành động tấn công mang tính Sô vanh ngày càng tăng ở Trung Quốc đối với các lợi ích kinh doanh của Nhật.

Trong những năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như được yên ổn làm ăn ở Việt Nam, nhất là các ngành sản xuất xuất khẩu. Các khu công nghiệp chất lượng cao ở Việt Nam, trong đó có nhiều khu công nghiệp do các công ty của Nhật Bản và Singapore xây dựng, giúp cho các nhà sản xuất xuất khẩu không phải lo lắng nhiều về các vấn đề hạ tầng vốn là điểm yếu của cả nền kinh tế Việt Nam.

Các cuộc phản đối Trung Quốc đã làm thay đổi tình hình như thế nào?

Nếu các lực lượng an ninh Việt Nam xử lý được các vụ xô xát một cách nhanh chóng, có lẽ tác động của chúng đối với nền kinh tế sẽ không đáng kể. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong hàng nghìn nhà máy ở Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng trong đó nhiều công ty nước ngoài đã được bảo hiểm.

Nếu bạo lực tiếp diễn và lan rộng, một số nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố rủi ro chính trị trong việc đánh giá khả năng đầu tư vào Việt Nam. Đây là điều mà kẻ thù của Việt Nam chờ đợi. Tuy nhiên, ở châu Á hiện nay không có các phương án hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, do Thái Lan đang trong tình trạng bạo lực chính trị bế tắc, Indonesia có vẻ như không hào hứng với việc thu hút các nhà sản xuất xuất khẩu, còn Myanmar thiếu hạ tầng cơ sở để xây dựng các nhà máy quy mô lớn. Do vậy, Việt Nam vẫn đang có ưu thế của mình.