Việt Nam nỗ lực bảo vệ tăng trưởng kinh tế với tâm thế lạc quan
Những tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp hối hả về đích cùng việc tạo dựng bức tranh kinh doanh cho năm tới thì khoảng thời gian này có thể như “hàn thử biểu” cho sự lạc quan của môi trường kinh doanh. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều cho thấy một tâm trạng lạc quan trong viễn cảnh kinh doanh phía trước về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước trong khi 17,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số DN dự báo khó khăn hơn và 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc các DN ngành công nghiệp mang tính “lõi” của công nghiệp và là dẫn dắt động lực tăng trưởng nhiều tháng qua trên địa hạt công nghiệp có ý nghĩa quan trọng cho thấy, những chính sách tạo điều kiện cho DN và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã bắt rễ vào thị trường tuy rằng còn nhiều việc phải làm để sự bắt rễ này thực sự vững chắc hơn.
Trong khi đó một lực lượng DN nước ngoài hết sức quan trọng đến từ châu Âu cũng cho thấy một bức tranh tương tự. Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) công bố ngày 3/10 cho thấy sự lạc quan của cộng đồng DN châu Âu, khi đánh giá tình hình kinh doanh tại Việt Nam.
Có 70% DN tham gia khảo sát phản hồi kết quả kinh doanh quý vừa rồi là tích cực. Cụ thể, 65% phản hồi “tốt”, 12% phản hồi “xuất sắc”. Khi khảo sát DN về dự đoán tình hình kinh doanh sắp tới, 64% phản hồi “tốt’ và 15% phản hồi “xuất sắc”.
Các thành viên EuroCham cũng rất lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô, khi khảo sát về kỳ vọng kinh tế vĩ mô trong quý tới, 57% phản hồi “ổn định và cải thiện”, 34% “không thay đổi”, chỉ có 10% “suy thoái”. Trong khi đó, hơn phân nửa (57%) DN phản hồi rằng sẽ “tăng đáng kể” và “tăng nhẹ” lượng nhân lực.
Ghi nhận của các chuyên gia cho thấy đây là mức lạc quan cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện là thời điểm quan trọng đối với quan hệ EU-Việt Nam với việc Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được trông đợi sẽ sớm được phê chuẩn. "Chúng tôi hy vọng thông điệp tích cực này từ EuroCham và các thành viên sẽ truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và thương mại và tăng cường mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EuroCham nói.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý lạc quan nói trên của DN cả trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ tăng trưởng kinh tế giữa lúc thương mại toàn cầu ẩn chứa nhiều rủi ro đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Là một định chế tài chính luôn theo sát các diễn tiến của nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong khoảng gian từ nay đến cuối năm nay.
Các chuyên gia của Standard Chartered chia sẻ những nỗ lực bảo vệ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi gọi đây là “sự tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm”. Lập luận này cũng được Standard Chartered lấy làm tiêu đề cho một báo cáo cập nhật về tăng trưởng của Việt Nam không chỉ trong năm 2018 mà những năm tiếp đến.
Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, ông Chidu Narayanan mô tả các diễn tiến từ đầu năm 2018 đến nay cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong trung hạn.
“Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 – giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao”, chuyên gia Chidu Narayanan nhìn nhận.
Ngân hàng Standard Chartered cũng đánh giá, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm, và vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử.