Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO: Những thành tựu khả quan

Theo baocongthuong.com.vn

10 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng, thể hiện qua các lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cán cân xuất, nhập khẩu, du lịch…

Tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. Nguồn: Internet
Tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. Nguồn: Internet

Tăng trưởng kinh tế khả quan

Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu phát triển của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm - thành tựu hết sức quan trọng.

Khủng hoảng tài chính, nợ công khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, nhưng không cản được sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên tới 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD năm 2016.
Sản xuất nông nghiệp 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo sản xuất ổn định. Năm 2015, sản lượng lúa đã đạt ở mức cao, khoảng 44,75 triệu tấn, năm 2016 đạt trên 44,5 triệu tấn. Sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 50,1 triệu tấn, năm 2016 đạt 50 triệu tấn, tăng gần 10 triệu tấn so với năm 2007.

Khu vực sản xuất công nghiệp từ giai đoạn năm 2007-2011 chịu ảnh hưởng lớn của sự tăng giá đầu vào, lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công… khiến tăng trưởng chậm lại và hiệu quả thấp.

Giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; chỉ số phát triển công nghiệp 2015 tăng khoảng 10%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh. Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp khai khoáng giảm từ 37,1% năm 2011 xuống khoảng 33,1% năm 2015; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 50,1% năm 2011 lên 51,5% năm 2015.

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. 10 năm qua, mặc dù hai năm 2008, 2009 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 6,75%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. Sau10 năm gia nhập WTO, doanh thu từ du lịch tăng nhanh, từ 56.000 tỷ đồng năm 2007 lên hơn 337.000 tỷ đồng năm 2015 và 400.000 tỷ đồng năm 2016.

Đổi thay thể chế chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư

WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Đó là điều mà ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh khi nhìn lại một thập kỷ Việt Nam gia nhập WTO.

Trong 2 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.

Trước đó, năm 2005, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nguyên tắc doanh nghiệp có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm được thể hiện rõ nét. Hàng loạt rào cản kinh doanh được gỡ bỏ. WTO đã tạo sức ép để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.

Kết quả là, năm 2007 là năm mở màn cho sự bùng nổ mới của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với kỷ lục gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm.

Điểm sáng xuất nhập khẩu, hút vốn FDI

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD.

Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu lần lượt qua các năm 2006 - 2007, gấp 1,2 lần, từ năm 2007 - 2012 gấp 2 lần, từ 2012- 2015 gấp 1,5 lần và từ 2015- 2016 gấp 1,16 lần. Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu giai đoạn 2006- 2007 chỉ tăng 1,2 lần, giai đoạn 2015 - 2016 tăng 1,16 lần, dù thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, nhưng đây là 2 năm cách nhau liên tiếp, do đó đạt được tốc độ tăng gấp hơn 1 lần đã là tốc độ tăng cao so với các giai đoạn trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng thương mại lớn là điều đáng mừng, đó là minh chứng độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang rất cao.

Sau 10 năm gia nhập WTO, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 144% năm 2017 lên 173% năm 2016. Từ năm 2012, nền kinh tế đã chấm dứt chuỗi thời gian dài nhập siêu lớn, có xuất siêu từ năm 2012 đến 2014, sau đó nhập siêu trở lại năm 2015 (3,6 tỷ USD). Tuy nhiên, hết năm 2016, nền kinh tế quay trở lại xuất siêu với 2,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,…

Tự tin vào “sân chơi” toàn cầu

Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.

Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)... Trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA, trong đó có RCEP- được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.

Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.