Dư địa phát triển kinh tế tư nhân còn rất lớn
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” diễn ra hôm qua, 13/4, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, để cạnh tranh thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa, nỗ lực không chỉ từ doanh nghiệp mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt, cần đặt năng lực cạnh tranh, hiệu quả là tiêu chí hàng đầu khi phân bố nguồn lực.
Vẫn khó tiếp cận nguồn lực
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua dường như chúng ta đã ưu ái quá nhiều cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), kinh tế tư nhân đang đóng góp vai trò như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Cung: So với trước đây, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển rất nhanh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với thực tiễn chung của thế giới và thông lệ của thị trường, kinh tế tư nhân của Việt Nam còn rất nhỏ.
Đối với một nền kinh tế thị trường thì kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 80 - 90% GDP, tuy nhiên, hiện nay, kinh tế tư nhân mới chỉ đóng góp khoảng 40% GDP, khu vực chính thức chỉ đóng góp khoảng 13% GDP.
Đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phát triển có nguyên nhân về mặt lịch sử. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở mặt luật pháp, chính sách, “cách đối xử” đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nếu so sánh giữa Nhà nước và tư nhân, đầu tiên là việc phân bố nguồn lực, khu vực kinh tế nhà nước vẫn tiếp cận được nhiều hơn, dễ dàng và thuận lợi hơn khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ hai là trong nền kinh tế thị trường, năng lực cạnh tranh, hiệu quả phải là tiêu chí hàng đầu đặt ra khi phân bố nguồn lực, nhưng hiện việc phân bố nguồn lực chủ yếu theo cơ chế xin - cho, cơ chế hành chính.
Thứ ba là khi doanh nghiệp phát triển thì phải được pháp luật bảo vệ vững chắc cả về quyền, cơ hội kinh doanh và sở hữu tài sản. Nhưng cơ chế, thể chế để bảo vệ quyền sở hữu của các doanh nghiệp chưa được vững chắc, các doanh nghiệp cảm thấy chưa được an toàn để mở rộng và phát triển kinh doanh.
Cho nên, đến một mức nào đó các doanh nghiệp sẽ dừng lại và chuyển sang ngành nghề khác ít rủi ro hơn và ít sự cạnh tranh hơn là tiếp tục đầu tư để phát triển, tạo ra các sản phẩm mới với hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Và một vấn đề đã được nhắc đến từ lâu nhưng đến nay vẫn vấn nóng, gây nhiều bức xúc nhưng chưa được giải quyết đó là các khoản chi phí không chính thức, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Với cơ chế quản lý nhà nước như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào. Một điểm bất cập nữa là doanh nghiệp của ta nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp khu vực tư nhân không dám khởi kiện để bảo vệ quyền tự do, quyền sở hữu của mình.
Do đó, cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục dễ dàng can thiệp vào hoạt động kinh doanh và sẽ có những trường hợp không vì lợi ích chung mà vì lợi ích riêng của những người thi hành công vụ. Do đó, phát sinh chi phí không chính thức. Đây cũng chính là rào cản khiến các doanh nghiệp khó và không muốn phát triển.
Thay đổi cách thức hoạt động
Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân và DNNN có thể cạnh tranh lành mạnh?
Theo tôi điều quan trọng nhất là việc thực thi, chính sách, luật pháp và thái độ, cách thức làm việc của bộ máy hành chính nhà nước. Muốn làm được điều đó, phải nhìn cụ thể vào những vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển và những yêu cầu của khu vực kinh tế tư nhân để xử lý.
Điều đầu tiên cần làm là phải cải cách, nâng cấp kinh tế thị trường, cụ thể là phải thay đổi cơ chế phân bố nguồn lực. Muốn làm được điều này thì phải phát triển thị trường vốn, thị trường lao động, thay thế cơ chế xin - cho trong phân bố nguồn lực.
Điểm thứ hai phải làm là cải cách DNNN để tạo dư địa, tạo cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Thứ ba là ngân sách nhà nước phải chặt chẽ hơn, giảm mạnh chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
Một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Theo ông, mục tiêu này có khả thi không?
Theo tôi mục tiêu Chính phủ đặt ra phải có lượng rồi mới có chất. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu đó quá lớn nhưng theo tôi không phải là không thể thực hiện được. Tiềm năng, dư địa để phát triển khu vực kinh tế tư nhân còn rất lớn.
Với hơn 4 triệu hộ kinh doanh hiện nay, nếu tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh nhìn thấy tương lai họ sẽ chuyển đổi. Nếu biết cách thay đổi cơ chế chính sách và cách thức thực hiện, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không phải là nhiều.
Xin cảm ơn ông!