Việt Nam sẽ đứng vững trong cuộc đua giành FDI với Trung Quốc?
Việt Nam hiện có đủ lợi thế riêng của mình để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài khi Trung Quốc tiến hành các biện pháp giành lấy nguồn vốn về cho đất nước họ.
Trung Quốc có thể không phải là nhà máy của thế giới như trước năm 2012, thời điểm mà chính phủ nước này bắt đầu đẩy nhà đầu tư vào những lĩnh vực dịch vụ, sạch sẽ hơn.
Nhưng quốc gia này hiện vẫn sản xuất hơn 2 nghìn tỉ USD hàng hóa mỗi năm, và theo hãng tin Xinhua, vào hôm thứ Hai vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có động thái để phát triển các nhà máy bằng cách nói rằng họ sẽ mở cửa đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cũng đang có những biện pháp riêng của mình để thúc đẩy các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Kể từ những năm 1980, chính phủ Việt Nam đã tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài như là một cách để phát triển nền kinh tế.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu SSI ở Hà Nội, những nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đến 155,24 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng GDP 202 tỉ USD của Việt Nam. SSI cũng cho biết thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 15,2% tính theo cùng kỳ năm trong 2 tháng đầu năm 2018 so với 2017, nhờ đà tăng sản xuất.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được "tiếp cận rộng hơn" với viễn thông và các loại năng lượng mới, hãng tin Xinhua trích lời Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu trước Quốc hội. Ông cho biết chính phủ của mình sẽ "trải đều những ứng dụng thực tiễn được phát triển ở các vùng thương mại tự do trên khắp đất nước", ngụ ý rằng sẽ có ít thuế và các ràng buộc khác hơn dành cho những nhà sản xuất.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không chịu thua kém, ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực có được nguồn vốn sản xuất nước ngoài vì hai quốc gia này đủ khác biệt để tránh một sự cạnh tranh trực tiếp cho nhiều nhà đầu tư. Và đây là lý do vì sao:
Nhiều loại nhà máy khác nhau
Các nhà máy của Việt Nam chuyên về những loại hàng hóa có giá trị thấp như ô tô, đồ đạc gia dụng và quần áo. Xuất khẩu "hiện tập trung phần lớn vào những sản phẩm thêm vào giá trị thấp so với Trung Quốc", công ty dự báo kinh tế FocusEconomics bình luận.
Trung Quốc tập trung vào những thiết bị công nghệ cao như máy tính để bàn và điện thoại thông minh, một phần trong giá trị hàng sản xuất của họ. Trung Quốc hiện cũng đang rất có sức thu hút đối với giới doanh nhân của đất nước họ như những gã khổng lồ ngành điện tử tiêu dùng Huawei và Oppo.
Việt Nam đã thu hút được 6,5 tỉ USD đầu tư từ tập đoàn Samsung và 1 tỉ USD từ Intel. Tuy vậy, Việt Nam thường thu hút những tên tuổi đầu tư truyền thống như nhà sản xuất ô tô Ford và tập đoàn sản xuất thép Formosa.
Việt Nam có chi phí thấp hơn
Chi phí đang tăng lên ở Trung Quốc, vì thế những nhà đầu tư mà đang tìm kiếm địa điểm để tiết kiệm tiền sẽ chọn bến đỗ ở Việt Nam. Lương tối thiểu của Việt Nam hiện chỉ khoảng 175 USD/tháng, so với của Trung Quốc là 325 USD/tháng, theo Dustin Daugherty, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh. Trung Quốc hiện cũng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn.
"Cách đây 20 năm, các công ty đầu tư ở Trung Quốc như là một phần trong chiến lược giảm thiểu chi phí cho những thị trường toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam và những quốc gia khác đang thay thế Trung Quốc ở tiêu chí đó", Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics ở Hà Nội, phân tích.
Dễ kinh doanh ở Việt Nam hơn
Một số nhà sản xuất nước ngoài hiện muốn đa dạng hóa ngành nghề ra khỏi Trung Quốc để đặt chân vào Việt Nam, Deborah Elms, giám đốc điều hành của nhóm vận động của Trung tâm thương mại châu Á ở Singapore, cho biết. Cả hai đều đang tăng trưởng nhanh, nhưng Việt Nam được tiếng là "dễ sống" hơn.
Dữ liệu từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Trung Quốc quản đầu tư "chặt" hơn Việt Nam gấp 3 lần ở 9 lĩnh vực, trong đó có sản xuất. Việt Nam xếp thứ 68 và Trung Quốc xếp thứ 78 ở hạng mục "Môi trường kinh doanh dễ dàng" của Ngân hàng thế giới.
Việt Nam cũng là "địa điểm logistics trung tâm để giúp cho việc giao thương với các hàng xóm trong khối ASEAN trở nên dễ dàng", Daugherty nói. 10 quốc gia ASEAN hiện có khoảng 630 triệu dân.
Trung Quốc có thị trường tiêu dùng lớn nhất
Các nhà đầu tư hướng đến Trung Quốc quốc như là một nơi để bán cũng như sản xuất hàng hóa, Elms lưu ý. Khoảng 1/3 trong 92 triệu dân Việt Nam sẽ là tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn vào năm 2020, tập đoàn tư vấn Boston cho biết.
Tuy nhiên, con số đó hầu như không thể so sánh với ít nhất 420 triệu dân Trung Quốc đang được xem là trung lưu. "Nếu Trung Quốc làm cho việc ở lại Trung Quốc hấp dẫn hơn thì sẽ có các công ty luôn hướng tới Trung Quốc. Đó là một thị trường nội địa khổng lồ, hấp dẫn nhà đầu tư bằng những đặc điểm riêng của mình".