Việt Nam tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia

Long Vân

Bất chấp những khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu khiến nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi dấu ấn với việc tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia.

Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng công khai ngân sách nhà nước.
Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng công khai ngân sách nhà nước.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục tạo được dấu ấn khi được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm công bố tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia.

Theo đó, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).

Kết quả xếp hạng của Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các quy định của Luật NSNN năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai, Việt Nam đã tiếp cận và thực hiện các thông lệ tốt của quốc tế, như công bố số liệu kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm.

Việt Nam cũng thực hiện xây dựng Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu; đồng thời thực hiện đa dạng các hình thức phổ biến thông tin đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.

Điểm nổi bật trong kết quả OBS2021 của Việt Nam là sự cải thiện điểm số về trụ cột Sự tham gia của công chúng, đạt mức 17/100, cao hơn trung bình toàn cầu là 14/100, tăng 6 điểm so với năm 2019. Để đạt được kết quả này, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ chế lấy ý kiến trực tiếp người dân thông qua các cuộc tọa đàm do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức về dự thảo dự toán ngân sách, qua đó đã cung cấp thông tin, cũng như tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự toán NSNN trình Quốc hội quyết định.

Đáng chú ý, từ năm 2020, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng công khai NSNN (https://ckns.mof.gov.vn), trong đó cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu NSNN và hỗ trợ khai thác, tra cứu thuận tiện, theo các chiều thông tin khác nhau. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng dự toán NSNN.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có thể nói, chưa lúc nào xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lại tốt như hiện nay. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”...

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh nhiều nước bị hạ bậc tín nhiệm, hạ triển vọng, thì việc Việt Nam tiếp tục được các tổ chức liên tục nâng mức tín nhiệm quốc gia thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của khu vực. Điều này cũng cho thấy nền tảng về chính sách tài khóa được thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả. Việc được nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.

Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đồng thời tác động tích cực đến tín nhiệm của các doanh nghiệp. Tiếp theo sự kiện nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của 12 ngân hàng Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai NSNN và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, các Bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật NSNN. Để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN, Cổng công khai NSNN sẽ được nâng cấp, hoàn thiện theo hướng sắp xếp, tổ chức dữ liệu một cách khoa học, vận hành, khai thác thông qua phương tiện điện tử.

Bộ Tài chính cũng không ngừng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự trong các hoạt động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý về công khai minh bạch ngân sách, cũng như chia sẻ, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết, thu hút sự quan tâm của người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành; tăng cường quản lý giám sát và giảm thiểu các rủi ro cho thị trường; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia...