Các nền kinh tế APEC đánh giá cao 4 chủ đề, sáng kiến của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra ngày 23/2/2017 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung được tập trung bàn thảo tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2017?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2017 là sự kiện chính trị quan trọng đầu tiên trong quá trình hợp tác tài chính APEC năm 2017. Theo đó, Hội nghị này với sự góp mặt của đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế lớn tập trung bàn thảo về kinh tế vĩ mô, cải cách tài chính toàn cầu và khu vực, từ đó nhận diện được những rủi ro, khó khăn, thách thức và những định hướng trong thời gian tới.
Qua thảo luận, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp hợp tác thiết thực, hiệu quả để có cơ hội phát triển bền vững bao trùm trong cả khu vực cũng như ở mỗi nền kinh tế thành viên. Đồng thời, Hội nghị cũng triển khai đánh giá và kiểm điểm Chương trình hành động Cebu. Đây là chương trình rất quan trọng trong 10 năm (từ năm 2015 - 2025) với 4 trụ cột cùng với nhiều sáng kiến và sản phẩm. Đặc biệt, các nền kinh tế thành viên APEC đều rất tích cực triển khai các sáng kiến này nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Hơn nữa, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2017, các đại biểu không chỉ thảo luận nhận diện những rủi ro, thách thức đang đặt ra với các nền kinh tế mà quan trọng hơn đại diện các nền kinh tế, các tổ chức cần đặc biệt quan tâm đến những sáng kiến và sản phẩm được triển khai thực tiễn ở các nền kinh tế với những cơ chế, chính sách cụ thể và những hành động, kết quả đầu ra cụ thể.
Một nội dung quan trọng nữa là Hội nghị tập trung bàn thảo 4 chủ đề sáng kiến được Việt Nam đưa ra. Cụ thể, bốn chủ đề sáng kiến được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị là (i) Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; (ii) Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; (iii) Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; (iv) Tài chính toàn diện. Trước khi đưa ra các chủ đề sáng kiến này chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các nền kinh tế thành viên. Họ đều đánh giá rất cao về 4 chủ đề, sáng kiến của Việt Nam.
Đây là những nội dung mà chúng tôi cho rằng hết sức quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị này.
Nội dung về Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận – Một vấn đề rất thiết thực đối với Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC khác nói chung. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ thu được những gì từ những nội dung thảo luận về Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, thưa Thứ trưởng?
Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận xuất phát từ vấn đề đầu tư giữa các khu vực kinh tế và giữa các nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng và liên quan đến các tổ chức xuyên quốc gia.
Vấn đề nổi lên các nền kinh tế đều quan tâm là những “lỗ hổng” hoặc “khe hở” trong khuôn khổ chính sách hoặc trong cách thức quản lý mà các tổ chức xuyên quốc gia họ tận dụng để thực hiện áp dụng chính sách thuế đối với mỗi nền kinh tế.
Điều này làm ảnh hưởng tới công tác quản lý thuế của mỗi quốc gia cũng như ảnh hưởng tới việc hình thành lên giá cả của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Hệ quả là nó làm cho hình ảnh của thương mại, đầu tư bị “méo mó” và các nền kinh tế cũng nhận diện được những nội dung này. Để giải quyết vấn đề này, việc hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC là hết sức cần thiết và phải mang tính toàn cầu.
Đối với Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chúng ta rất cần các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư gián tiếp nước ngoài. Chúng ta cũng cần phải nhận thức được các rủi ro về thuế, để có các giải pháp tăng cường chính sách quản lý thuế cũng như tăng cường chính sách về tài khóa, đảm bảo cho việc phát triển bền vững và công khai, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!