Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn cho tiến trình hợp tác APEC

PV.

Sáng ngày 23/2/2017, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) khai mạc tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì Hội nghị.Đây là lần thứ hai Việt Nam chủ trì Hội nghị APEC, thể hiện mong muốn của Việt Nam được đóng góp nhiều hơn cho tiến trình hợp tác trong khu vực.

Các thành viên tập trung thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu, về nội dung của các chủ đề chính làm trọng tâm hoạt động của cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.
Các thành viên tập trung thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu, về nội dung của các chủ đề chính làm trọng tâm hoạt động của cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Hội nghị có sự tham dự của 150 đại biểu đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức khác như Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC)…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hàchào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế đã đến dự. Theo Thứ trưởngTrần Xuân Hà, đây là lần thứ hai Việt Nam được vinh dự chủ trì Hội nghị APEC thể hiện mong muốn của Việt Nam được đóng góp nhiều hơn cho tiến trình hợp tác trong khu vực.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh: “Tiến trình hợp tác tài chính APEC 2017 một mặt bám sát các chủ đề quốc gia nói trên, mặt khác cũng tiếp nối những thành công trong năm 2016 dưới sự chủ trì của Peru, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch hành động Cebu trên cơ sở kết luận của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 23 tại Lima tháng 10/2016”.

Trước đó, sau khi tham vấn ý kiến các nền kinh tế thành viên, Việt Nam đã đề xuất nội dung thảo luận trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng tài chính APEC 2017 tập trung vào 4 vấn đề chính: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; Tài chính toàn diện. Các chủ đề nghiên cứu sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vào tháng 10 năm nay.

Thứ trưởng Trần Xuân Hàcũng cho biết, tại Hội nghị, các thành viên tập trung thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu, trong đó nội dung của các chủ đề chính làm trọng tâm hoạt động của cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Thông qua thời gian biểu, kế hoạch triển khai các chủ đề sẽ thảo luận đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực, nhận diện những cơ hội, thách thức chung, từ đó có những giải pháp hợp tác thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, vun đắp cho một tương lai tốt đẹp.

Với chủ đề quốc gia Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đặt ưu tiên hợp tác trong bốn trụ cột: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng nhằm đáp ứng nhu cầu liên kết sâu rộng hơn nữa của châu Á – Thái Bình Dương; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Bên cạnh việc thảo luận về các nội dung như: Tình hình kinh tế tài chính vĩ mô quốc tế và khu vực; Triển khai Kế hoạch hành động Cebu; Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng..., các đại biểu cũng đều chung nhận định về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong đó, đáng chú ý là những vấn đề như: Biến động về kinh tế, địa chính trị tại một số nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới; Tình hình kinh tế và phản ứng chính sách của các nền kinh tế trong khu vực có nhiều xu hướng khác nhau...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Nhu cầu hợp tác và phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực là rất quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng hợp tác toàn diện, tái cân bằng vĩ mô của các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh đang có sự khác biệt giữa các nền kinh tế về cách thức ứng phó với các rủi ro và thách thức toàn cầu”.

Sau Hội nghị này, Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC dự kiến sẽ tổ chức vào giữa năm để thảo luận và đánh giá giữa kỳ về tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác trong năm và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 10/2017. Kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính sẽ được báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào cuối năm 2017.