Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA: Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

TS. NGÔ TUẤN ANH, PHẠM THỊ THANH HUYỀN

(Tài chính) Sau khi gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN vào năm 1995, Việt Nam ngày càng tích cực tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do. Bài viết sau tập trung đánh giá các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến được ký kết vào 2015, từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp để họ ứng phó với các thách thức, tận dụng cơ hội khi tham gia hội nhập sâu rộng.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Bên cạnh Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam hiện đang tham gia Hiệp định FTA với Australia-New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và gần nhất là Chile. Một số hiệp định FTA đang được đàm phán như: FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan; FTA với Hàn Quốc. 4 FTA này dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2015. Đặc biệt, năm 2015 sẽ đánh dấu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập.

Việc tham gia các hiệp định FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong đó có thể kể đến:

Mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Các DN Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của nước/vùng lãnh thổ có hiệp định FTA với Việt Nam thông qua các hiệp định FTA riêng rẽ mà họ đã ký kết. Từ đó, DN Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Lộ trình cụ thể về cắt giảm thuế quan đối với một số hiệp định FTA như sau:

- Hiệp định TPP:

Mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh và lợi ích cốt lõi của mình như dệt may, giày dép vào các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ (hiện đóng góp 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Việt Nam được cho là nước được hưởng lợi nhiều từ TPP. Dự kiến, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 32%, còn GDP sẽ tăng thêm 25% (Michael Froman, 2014).

- FTA Việt Nam - Hàn Quốc:

Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc vào ngày 10/12/2104. Các cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam.

Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực. Hàn Quốc cam kết tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế.

- FTA Việt Nam - EU:

EU luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những năm vừa qua. Năm 2013 xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt tổng kim ngạch 24,33 tỷ USD, tăng mạnh tới 19,8% và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việc ký kết Hiệp định FTA Việt Nam - EU sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía. Về phía Việt Nam, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu với khoảng 500 triệu dân và đem lại nhiều lợi ích cho các DN Việt Nam như miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đây cũng là cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.

- FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan:

Hiệp định này đã kết thúc đàm phán vào ngày 14/12/2014, sẽ được ký kết vào đầu năm 2015. Hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và các thành viên Liên minh Hải quan mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Ước tính, khi Hiệp định FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8% (Theo Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, 2013). Khi Hiệp định này có hiệu lực, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào đây sẽ được miễn thuế và hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn.

Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA: Doanh nghiệp đã sẵn sàng? - Ảnh 1

Thanh lọc, phát triển được các DN có năng lực cạnh tranh

Dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tham gia các hiệp định FTA, chỉ có các DN mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài và trong nước mới có thể trụ được, còn lại sẽ bị bật khỏi thị trường nếu năng lực cạnh tranh yếu. Đây là cơ hội thanh lọc các DN ốm yếu, không có sự chuẩn bị bài bản. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, nhằm hỗ trợ cho các nước phát triển thấp như Việt Nam, các đối tác cũng có những sáng kiến hỗ trợ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều việc làm

Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh là cơ hội tốt để các DN Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cơ hội càng mở rộng hơn khi AEC trở thành hiện thực vào 2015, sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới.

Để tận dụng được các cơ hội, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ, nhanh và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Thách thức đối với các DN Việt Nam

Đối mặt với nhiều rào cản phi thuế quan

- Hiệp định TPP: Các DN Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nông sản của Việt Nam vào TPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Những quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể bị lạm dụng để trở thành rào cản đối với hàng hóa của Việt Nam.

Vào TPP, lợi thế cạnh tranh bằng giá sẽ không còn là lợi thế đối với các DN Việt Nam. Các hình thức cạnh tranh phi giá, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nông sản, thuỷ hải sản của Việt Nam vào TPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

- FTA với Liên minh châu Âu: Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là các sản phẩm thô, hàng hóa thực phẩm như rau quả, thủy sản… Chúng ta sẽ gặp khó khăn theo hướng liên hoàn, nếu một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác. EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng. Điều này dẫn đến, chi phí sản xuất đối với hàng hoá Việt Nam xuất vào EU tăng lên đáng kể, làm giảm tính cạnh tranh. Nếu DN Việt Nam xuất khẩu vào EU không hiểu biết thì không thể tranh thủ được ưu đãi thuế quan, thậm chí còn có thể bị cấm nhập khẩu, hoặc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao ở EU, bởi xu hướng các nước đều sử dụng triệt để các hàng rào bảo hộ.

- FTA với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan: Sẽ có nhiều rào cản thương mại cản trở đáng kể đến sự tiếp cận của hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Rào cản tiếp cận thị trường đầu tiên phải kể đến là việc định giá hải quan, thủ tục thông quan, chứng nhận và các tiêu chuẩn kỹ thuật; hoặc rào cản tiếp theo là các chứng nhận GOST (chứng nhận tiêu chuẩn nhà nước), giấy phép vệ sinh, hay các Bản cam đoan hợp quy (DOC). Quy trình và thủ tục để xin được những loại giấy tờ này ngày càng khó khăn, không rõ ràng và thay đổi mà không được thông báo trước, tạo ra bất trắc về hiệu lực của các giấy phép này. Những sản phẩm đặc thù lại cần phải có thêm một số loại giấy chứng nhận khác. Hơn nữa, Nga, Belarus và Kazakhstan là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập vào thị trường này dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, thương hiệu, uy tín, mẫu mã, giá cả.

- FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Bên cạnh những thuận lợi về thuế quan, FTA cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các rào cản kỹ thuật có thể sẽ được quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc kiểm dịch đối với nông sản, thủy sản. Thị trường Hàn Quốc đưa ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính đồng đều. Người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm chế biến sẵn có hình thức và phẩm cấp gần tương đương như ở thị trường Nhật Bản, mặc dù giá nhập khẩu của Hàn Quốc thường khá thấp so với các thị trường lớn khác. Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp thủy sản quốc tế. Các nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho nước này như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Chile, Thái Lan, Na Uy, Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan… đều rất có tiềm năng, vì vậy đây cũng là thách thức không nhỏ đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh của hệ thống DN còn yếu, nguy cơ mất thị trường nội địa

Khi Việt Nam ký kết các hiệp định FTA, nếu không tận dụng tốt, các DN Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững. Một số ngành sau có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới như:

- Ngành công nghiệp ôtô

Các DN ngành này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường. Hơn nữa, công nghiệp phụ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô hiện nay ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, quy mô thị trường nhỏ là những điểm bất lợi trong thu hút đầu tư vào ngành này. Thời gian tới khi thuế suất nhập khẩu ô tô ngày càng giảm, ngành ô tô trong nước sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu không tạo được sự khác biệt. Các DN ngành này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường.

- Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy hải sản:

Giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn, hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Hiện tại, thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú ý và sản phẩm đầu ra chủ yếu bị khống chế bởi các DN nước ngoài. Ngành nông nghiệp với các mặt hàng thịt gà, lợn, bò... là ngành lợi thế của Hoa Kỳ, hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia. Giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

- Ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng:

Các đối tác Việt Nam sắp ký FTA đều là những nước có thị trường tài chính, ngân hàng rất phát triển (Hoa Kỳ, Australia, Singapore), hoặc đã mở cửa đáng kể cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (New Zealand), hoặc là lợi ích sẽ không bị tác động đáng kể bởi việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng (Brunei). Tại khu vực ASEAN, các nước có hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển như ASEAN-6 đều mạnh hơn Việt Nam về mọi mặt. Hơn nữa, thời gian qua, các ngân hàng của Singapore và Malaysia đang đầu tư rất lớn để có thể đi trước các đối thủ cạnh tranh khác và chuẩn bị tốt hơn cho AEC, sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng của Việt Nam thời gian tới.

- Ngành dược phẩm:

Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với ngành dược phẩm có yêu cầu rất cao. Đó là nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm, nâng cao mức độ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm, sẽ là cản trở lớn đối với các DN dược phẩm của Việt Nam cạnh tranh với các hãng dược phẩm nước ngoài trong quá trình mở rộng thị trường cũng như khả năng tiếp cận giá thuốc rẻ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Đây luôn là vấn đề khó khăn đối với các nước đang phát triển trong đàm phán thương mại quốc tế.

- Ngành Logistic:

Chất lượng của các dịch vụ vận tải như: môi giới hải quan, giao nhận vận chuyển, và giao hàng nhanh, hạ tầng giao thông… của Việt Nam ở vị trí thấp trong khu vực. Với bề dày kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, nhiều công ty logistics hàng đầu trên thế giới đã hiện diện tại Việt Nam và ngày càng nâng cao sức ảnh hưởng bằng cách thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với các DN nội với tỷ lệ khống chế. Các yếu tố hải quan, cơ sở hạ tầng, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho DN và ngành nghề này phát triển, sẽ là bất lợi của Việt Nam.

Nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế của các DN còn hạn chế

Việt Nam chưa có nhiều các DN mang tầm quốc tế và khu vực. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, còn nhiều thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Nhận thức về các FTA của các DN Việt Nam cũng còn rất hạn chế, sẽ là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện

Việt Nam là nước hội nhập muộn, vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, năng lực thực tế của Việt Nam còn ở mức thấp, thể chế kinh tế thị trường đang dần được hoàn thiện, khả năng hoạch định và thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Một số kiến nghị

Việc thực thi các FTA thời gian qua cũng như triển vọng ký kết các FTA thời gian tới là cơ hội đối với Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa nhằm nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng được các lợi thế do hội nhập kinh tế mang lại. Tuy nhiên, thời gian qua, đặc biệt sau khi gia nhập WTO và các FTA đang thực hiện đã thể hiện rõ những thua thiệt của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Do đó cần nhìn nhận sâu sắc lại vấn đề này cho điều chỉnh chiến lược hội nhập thời gian tới.

Để tận dụng được các cơ hội, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ, nhanh và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, giảm thiểu vai trò của DN nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động nghề và nhân lực trình độ cao; chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài, xây dựng năng lực thương mại cần đặt ở vị trí trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sẽ có nhiều thách thức đối với Việt Nam cần phải vượt qua để đạt được các mục tiêu trên và cần thiết phải có ý chí chính trị của chính phủ, quyết tâm cao của DN. Nếu không, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ và rủi ro, tổn thất có thể lớn hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Thư ký ASEAN (2012), “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Sổ tay thông tin cho doanh nghiệp”;

2. Bộ Công Thương (2014), Báo cáo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46;

3. Đại học kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội (2014), Hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và hàm ý chính sách với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế tháng 10/ 2014, Hà Nội;

4. Tổng cục Hải quan (2014), Tổng quan xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo châu lục, theo khu vực thị trường và theo thị trường năm 2013;

5. Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam (2014), Sách trắng 2015 - Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến và kiến nghị của cộng đồng DN châu Âu.