Việt Nam tiếp tục cải cách để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng dài hạn
Việt Nam còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải cách và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Trong thời gian dịch COVID-19, Việt Nam được đánh giá là khống chế có hiệu quả sự lây lan nhưng vẫn khó lòng tránh khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới mọi lĩnh vực và hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải cách và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Đây là nhận định chung của hầu hết các diễn giả tham dự Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF2020). Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng dương với mức 2%. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trở lại.
Tính đến 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng gần 95% so với cùng kỳ. Theo xếp hạng sức khỏe tài chính của Tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch.
Để có thể bảo toàn được những thành quả đã đạt được, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đại diện Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho rằng, cần có sự chuẩn bị tốt để nước ta tập trung phục hồi mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả những cơ hội mới xuất hiện.
Nhìn vào thực tế, dù Việt Nam là 1 trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, song mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines. Thêm vào đó, mức độ tham gia vào các công đoạn phức tạp của Việt Nam trong các chuỗi giá trị vẫn còn thấp.
Đây là nhận định chung của hầu hết các diễn giả tham dự Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF2020). Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.
Báo cáo phát triển thế giới năm 2020 ước tính rằng, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1%, nhiều hơn khoảng 2 lần so với thương mại truyền thống. Vì thế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.
Theo ông Tự Anh, trước mắt, việc đa dạng của các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Việc chuẩn bị tốt cho tình trạng bình thường mới của các chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức quan trọng. Không thể thiết lập chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều mà cần phải có 1 quá trình di dời, tốn kém và tốn thời gian.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần cân nhắc xây dựng các chiến lược chủ động để thu hút các nhà đầu tư, cải thiện đòn bẩy FDI bằng các biện pháp tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các FDI và doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, hình thành hệ thống chứng nhận chất lượng và cải tiến cơ sở hạ tầng số để cho phép các công ty hoạt động từ xa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra thị trường nước ngoài.
Ở tầm dài hạn, ông Tự Anh khuyến nghị, cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất; đồng thời, tập trung phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể đạt được những đột phá về cải cách thể chế. Phát triển kỹ năng chính là yếu tố quan trọng để nâng cao mức độ tham gia của nước ta vào các chuỗi giá trị toàn cầu; từ mức chế biến chế tạo hạn chế lên mức chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Thêm vào đó, quan tâm đúng mức tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số và các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đặt vấn đề, hành động của Việt Nam sẽ như thế nào để hướng tới tăng trưởng bao trùm và thu hút FDI có hiệu quả, có chất lượng vào Việt Nam, ông Jonathan Pincus, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, FDI đã chậm lại từ trước đại dịch, song Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia vốn đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu có chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ gia tăng.
Chính vì thế, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và trong khu vực là điểm đáng quý. Từ nay tới 10 năm nữa, Việt Nam nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp bền vững hướng tới các mục tiêu phát triển bao trùm; tập trung mạnh mẽ phát triển khoa học công nghệ bởi sớm muộn những ngành thâm dụng lao động sẽ phải giảm đi bởi xu hướng tự động hóa trên toàn cầu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cho khu vực châu Á chắc chắn sẽ tăng cao và điều đó sẽ có lợi cho Việt Nam. Tới đây, nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động trong các ngành công nghiệp; có những chính sách để tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước và phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp.
Trong những nỗ lực chung để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững, có vai trò to lớn của các doanh nghiệp, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như tác động của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sức ép của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn rất loay hoay do thiếu hụt về kỹ năng, rào cản về môi trường kinh doanh và sự hạn chế về chỉ số đổi mới sáng tạo....
Giải pháp giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong thách thức, theo bà Thanh, lãnh đạo doanh nghiệp cần bền bỉ chèo lái và phát huy tối đa tố chất "kiên tâm" trong điều hành; tăng cường tối đa mức độ kiên cường cho đội ngũ và doanh nghiệp để có khả năng nắm bắt cơ hội lớn nhất trong quản lý khủng hoảng và xây dựng tương lai.