Việt Nam trong dòng chảy 4.0: Thách thức pháp lý đối với tiền ảo

Theo TS. Phạm Minh Oanh Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội/saigondautu.com.vn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong xu thế này, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là pháp lý ở nhiều lĩnh vực đã không theo kịp dòng chảy của CMCN 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiền ảo đang là hiện tượng xã hội và các giao dịch tiền ảo diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tiền ảo đang tạo ra nhiều khó khăn và thách thức đối với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Lo ngại lừa đảo, biến tướng

Thống kê cho thấy, năm 2017 lượng tìm kiếm từ khóa Bitcoin từ Việt Nam xếp hạng 41 trong danh sách 63 thị trường quan tâm nhiều đến đồng tiền kỹ thuật số này. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu CryptoCompare, tính đến cuối tháng 11-2017, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần 80% tổng số hoạt động giao dịch Bitcoin toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm khoảng 20%. 

Việc không có quy định khẳng định tiền ảo là một loại tài sản, là lỗ hổng lớn trong quy định của pháp luật dân sự, dẫn đến hệ quả các quan hệ dân sự, sở hữu thừa kế hợp đồng hay bồi thường liên quan đến tiền ảo không có cơ chế để giải quyết phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho phép người Việt thanh toán bằng Bitcoin đối với dịch vụ của họ, như nạp thẻ điện thoại BitRefill, mua vé máy bay, đặt khách sạn và thuê ô tô tại Expedia, mua hàng trực tuyến tại OverStock, OpenBazaar hoặc tại các Dark Net Market, mua quần áo thời trang tại ASOS…

Tại thời điểm cuối năm 2016, đã có trên 800 máy Bitcoin ATM trên toàn cầu, phần lớn (500 máy) nằm tại Mỹ, ở Việt Nam có 3 máy.

Các hoạt động kinh doanh đầu tư tiền ảo với việc tham gia và hình thành các sàn giao dịch cũng diễn ra không ngừng tại Việt Nam. Trong đó đáng lo ngại là hoạt động của ICO đối với tiền ảo chưa được kiểm soát. Các hình thức ICO lừa đảo biến tướng mang tính chất đa cấp đã gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Cùng với đó các tranh chấp liên quan đến tiền ảo cũng ngày càng gia tăng.

Đây là thách thức cho các nhà làm luật khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo, cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn.

Với pháp luật dân sự

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng. 

Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, xe cộ, bàn ghế…

Thứ hai, tiền - phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ - dùng để định giá các loại tài sản khác bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ, tiền điện tử.

Thứ ba, giấy tờ  có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự.

Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ... Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, theo định nghĩa về hàng hóa của Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại, hàng hóa bao gồm các loại động sản kể cả động sản hình thành trong tương lai, những vật gắn liền với đất đai. Theo quy định này, muốn trở thành hàng hóa, trước tiên đối tượng phải được công nhận là tài sản và phải thuộc 1 trong 2 dạng hoặc động sản hoặc bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đối chiếu với quy định này, tiền ảo cũng không được coi hàng hóa. 

Với pháp luật hình sự

Theo quy định tại Điểm (h) Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, hành vi phát hành cung ứng sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoặc hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Như vậy, theo quy định này và dựa vào những phân tích ở trên, việc phát hành cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là bất hợp pháp, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, do tiền ảo chưa được công nhận là tiền hay tài sản ở Việt Nam, nên tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Thí dụ, người nhận hối lộ bằng tiền ảo, sau đó thực hiện các hoạt động rửa tiền thì không phạm tội. Nhưng người nhận hối lộ bằng tiền thật, sau đó đổi sang tiền ảo rồi thực hiện các hoạt động rửa tiền khác thì có thể phạm tội rửa tiền.

Điều này chứng minh sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật khi cùng 1 hành vi, lúc được xem là phạm tội, lúc lại không. Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền được quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. 

Với pháp luật thuế, tài chính
Hiện nay, hoạt động kinh doanh tiền ảo và các hoạt động khác liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích sinh lợi không chịu sự điều chỉnh của luật về thuế. Nguyên nhân do Việt Nam chưa có khung pháp lý về tiền ảo, nên bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan.

Một minh chứng cụ thể cho việc này, là ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đã phán quyết với nội dung hủy quyết định của Chi cục thuế TP. Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với ông Nguyễn Việt C, do ông này tham gia trao đổi tiền điện tử Bitcoin.

Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hóa, nên việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là “mặc nhiên công nhận” loại tiền này là hàng hóa. Ngoài ra, TAND Bến Tre cho rằng, đề án về khung pháp lý để quản lý và xử lý loại tiền ảo đang xây dựng và việc truy thu thuế không phù hợp, đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp.

Với luật về đầu tư và chứng khoán 

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn hoặc góp vốn bằng tiền ảo cũng không bị cấm theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6, cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê tại Điều 7, đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Như vậy, theo Luật Đầu tư năm 2014, các hoạt động liên quan đến tiền ảo không bị coi là ngành nghề cấm kinh doanh. 

Hiện nay, các hoạt động huy động bằng tiền ảo ICO hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh chuyển nhượng góp vốn huy động vốn đầu tư bằng các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm của các hoạt động hoặc chế tài khác liên quan đến tiền ảo vẫn còn bị bỏ ngỏ. Cùng với đó việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động này cũng chưa có cơ sở để giải quyết phù hợp.