Việt Nam vẫn “đắt khách” trong thu hút FDI

Theo Việt Thắng/baodauthau.vn

“Tôi có thể đánh cược không chỉ năm 2019, 2020 và nhiều năm nữa, tốc độ tăng vốn FDI vốn thực hiện mỗi năm là 10%”.

Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới.
Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới.

Niềm tin của GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, người đã theo sát 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, chắc chắn phải có cơ sở, khi những xu hướng mới, cơ hội mới trong thu hút FDI đang mở ra.

Vốn thực hiện tăng mạnh

Theo Bộ KH&ĐT, vốn FDI thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 55,6% so với giai đoạn 2011 - 2013, và tăng 22,8% so với kế hoạch. Vốn thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 có bước chuyển biến lớn, tăng mạnh vào năm 2017, đạt 17,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018 vốn thực hiện dự kiến tăng nhẹ, ước đạt 18 tỷ USD.

Vốn FDI đăng ký trong giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 97,5 tỷ USD, tăng 73,7% so với giai đoạn 2011 - 2013 và tăng 40% so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2018. Vốn đăng ký năm 2016 đạt 26,89 tỷ USD, năm 2017 tăng mạnh, đạt 37,1 tỷ USD (tăng 38% so với năm 2016). Ước thực hiện năm 2018 dự kiến đạt khoảng 32 - 35 tỷ USD, bằng 90,3% so với năm 2017.

Nhìn lại hơn 2 năm của kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Bộ KH&ĐT đánh giá, đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các nhà đầu tư vẫn triển khai giải ngân vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, với tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng số dự án FDI đang ngày càng tăng, đặc biệt là một số dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất (Samsung, Nokia, LG…), dự kiến khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới. 

Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt được như kỳ vọng, tỷ lệ các dự án FDI công nghệ cao thấp và việc thực hiện chuyển giao công nghệ cũng chưa đạt kết quả mong muốn. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao. Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, một số doanh nghiệp chưa giải quyết dứt điểm những tồn đọng về nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn FDI chiếm khoảng 55% tổng vốn đăng ký, chưa tương xứng với kỳ vọng và nhu cầu của nền kinh tế. GS. TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, vốn FDI đã giải ngân mới là vốn thực, vốn đăng ký chưa thực hiện còn khoảng 150 tỷ USD là vốn ảo, chỉ thể hiện xu hướng, cần rà soát lại số vốn này, xem có thể thực hiện được bao nhiêu, tránh ảo tưởng. 

Đón các xu hướng mới

Theo nhiều dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu mặc dù có xu hướng giảm nhẹ, nhưng tiếp tục khả quan trong năm 2019 nhờ đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và triển vọng kinh tế châu Á tăng trưởng khá. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 sẽ ở mức 3,79%. Đồng thời, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2018 sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta trong năm 2018 và thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi phải cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, sự chuyển dịch dòng vốn FDI do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động đến Việt Nam. Nếu biết cách chọn lọc, nói không với dự án công nghệ lạc hậu, Việt Nam có thể đón được dòng FDI từ Mỹ chuyển dịch ra ngoài Trung Quốc.

GS. TSKH. Nguyễn Mại chỉ ra một số xu hướng tích cực cần đẩy mạnh để đón dòng FDI vào Việt Nam, trong đó nên chú ý đến xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A). Năm 2017 đã thu hút được 11 tỷ USD vốn FDI thông qua M&A, 7 tháng đầu năm nay là 4,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất lớn trong vốn FDI thực hiện. “Đây là tiền tươi thóc thật. Xu hướng này cũng nói lên 3 điều: chúng ta có hàng để nhà đầu tư nước ngoài mua; doanh nghiệp nội đủ mạnh để doanh nghiệp ngoại làm M&A và môi trường đầu tư của chúng ta hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, GS. Nguyễn Mại nhận định. Theo GS. TSKH. Nguyễn Mại, M&A có lợi không chỉ ở khía cạnh thu hút vốn thực, mà ở nhiều mặt và đây là xu hướng chắc chắn phát triển trong thời gian tới.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Không nên nhìn FDI chỉ thông qua số liệu. Có những sự chuyển biến rất lớn. Ví dụ, trước kia khi so sánh với Trung Quốc, Việt Nam thường lép vế nhưng bây giờ Việt Nam đã trở thành đối tượng mà nhiều nhà đầu tư nhắm đến, chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư lớn chọn Việt Nam và mong muốn ở lại lâu dài tại Việt Nam, trở thành một doanh nghiệp của Việt Nam. Ví dụ như Samsung. Từ quan hệ đầu tư, Việt Nam đã có những người bạn tốt, đặc biệt trong khu vực hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc. Vốn FDI của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Việt Nam đến nay đều đứng hàng đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.