Việt Nam vượt Trung Quốc về hấp dẫn nhà đầu tư

Theo enternews.vn

Một khảo sát mới nhất của ngân hàng United Overseas Bank thuộc Singapore mới đây cho thấy, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, vươn lên đứng thứ ba về sự hấp dẫn đầu tư trong khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khảo sát này của United Overseas Bank (UOB) được thực hiện ở 2.500 CEO đến từ 6 vùng lãnh thổ tại châu Á là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Gần 30% trong số này đã cho biết họ muốn được mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Còn tại ASEAN, môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hàng thứ hai, chỉ sau Singapore (32%), Nhật Bản 29%. Điểm mà các nhà đầu tư đánh giá cao nhất tại Việt Nam là có nền chính trị ổn định, lao động trẻ, chính sách tiền tệ nới lỏng, lạm phát thấp…

Trong khi đó, các nhà đầu tư rất lo ngại về các vấn đề như: Chi phí kinh doanh tăng; Mức độ cạnh tranh gia tăng và Nhu cầu tiêu dùng giảm…đang có dấu hiệu gi tăng tại các nước khác trong khu vực.

Khảo sát của UOB cũng phù hợp với bản công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh 2017 tại Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương hôm thứ tư tuần này, theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82/190 nước tại khu vực.

Theo bản công bố này của WB, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng tới 9 bậc, nhờ sự chuyển biến tích cực trong các tiêu chí thương mại biên mậu, đóng thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây là lần đầu tiên, báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 của WB đưa thêm khía cạnh giới vào trong 3 tiêu chí: Thành lập doanh nghiệp; Đăng ký tài sản và Thực thi hợp đồng.

Báo cáo cho biết tại nhiều nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương không còn rào cản về giới, nhưng có 2 trường hợp ngoại lệ là Malaysia và Brunei Darussalam. Tại 2 nước này vẫn còn quy định riêng cho phụ nữ có gia đình muốn thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Thực tế là không chỉ có các tổ chức uy tín đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam mà ngay cả các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) cũng đánh giá rất cao. Chẳng hạn, một nghiên cứu của Tổ chức XTTM Nhật Bản Jetro cũng cho thấy, trong năm 2016, 64% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ này cao hơn so với các nước trong khu vực như Phillipines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

Các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao lợi thế của Việt Nam là có nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn, chế độ chính trị ổn định… là những đặc điểm nổi bật khi nhắc tới thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào thực thi, Việt Nam cùng 1 số các quốc gia ASEAN ngày càng có thêm nhiều cơ hội hướng tới phát triển như một thị trường thương mại toàn diện… được cho là sẽ giúp các nhà đầu tư Nhật Bản có thêm các cơ hội kinh doanh mới cũng là một “điểm cộng” cho môi trường kinh doanh.