Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Việt Nam ưu tiên thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển chung của ASEAN

Việt Hoàng

Sáng ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 38. Hội nghị là hoạt động mở đầu chuỗi các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26-28/10/2021.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 38. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 38. Nguồn: baochinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được trong một năm đầy khó khăn, thử thách.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới về phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Theo đó, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của cả cộng đồng, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

Song song với đó, ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các nước ASEAN cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vắc xin, thuốc điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Thủ tướng đề nghị, ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

"Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao" Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai các ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN. Thủ tướng cũng thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm sẽ được tổ chức vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam đóng góp vào Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN số vật tư y tế trị giá nhiều triệu USD.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên và được các nước quan tâm thảo luận.

Trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội mà đại dịch mang lại, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Các Lãnh đạo ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai các "sáng kiến ứng phó dịch COVID-19", trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vắc xin cho các nước thành viên và phấn đấu có lô vắc xin đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022.

Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã thông qua, ghi nhận và công bố nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến tổng thể kết nối các sáng kiến ASEAN về ứng phó với thảm hoạ và các tình huống khẩn cấp (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26, Quy chế hoạt động của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Lộ trình, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ASEAN…