VN-Index vẫn đang có động lực hướng về 1.280 – 1.300 điểm
Lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp và thanh khoản tốt cho thấy dòng tiền vẫn đang rất mạnh, là động lực giúp VN-Index có thể hướng về 1.280 - 1.300 điểm.
Cổ phiếu Bất động sản và Ngân hàng dẫn đắt thị trường đi lên
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên nhờ nhóm cổ phiếu Bất động sản (BĐS) và Ngân hàng. Trong tuần qua (từ ngày 31/7 đến ngày 4/8), trạng thái rung lắc đang diễn ra nhiều hơn trên vùng giá cao, phân hóa khá rõ nét với số mã tăng và số mã giảm cân bằng.
Chỉ số VN-Index vẫn duy trì đà tăng với việc kết tuần lên sát ngưỡng 1.126 điểm, tăng 18,3 điểm (+1,52%) so với phiên thứ Sáu liền trước. Trong khi đó, các chỉ số khác cũng có xu hướng tích cực như: VNMidcap +1,8%, VN30 +1,56% và VNSmallcap +0,93%.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, VHM (+29,75%) và VIC (+7%) đóng vai trò nâng đỡ chỉ số khi đóng góp hơn 15 điểm cho VN-Index sau thông tin Vinfast dự kiến niêm yết ở Mỹ vào tháng 8, nhờ đó chỉ số VNREAL tăng 6,56%. Chỉ số VNFIN tăng 2,13%, mặc dù tăng ít hơn về điểm số nhưng tính lan tỏa nội nhóm cao khi nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đi lên như: BID (+3,64%), ACB (+9,9%), CTG (+5%), EIB (+16,3%), SHB (+5,5%), LPB (+5,8%), MSB (+5,1%).
Chiều ngược lại, một số mã vốn hóa lớn điều chỉnh ở mức độ vừa phải trong tuần qua như: VCB (-3,1%), HPG (-3,3%), VNM (-2,5%), MWG (-2,8%).
Giao dịch duy trì sôi động ở vùng giá cao. Giá trị giao dịch bình quân sàn HOSE đạt ngưỡng cao mới là 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% theo tuần. Giá trị mua ròng tập trung tại giao dịch thỏa thuận của MSB (+590 tỷ đồng). Phía bán ròng, ghi nhận chủ yếu ở HPG (-402 tỷ đồng).
Dù vậy, xu hướng chốt lời khả năng vẫn đang diễn ra khi hoạt động bán ra có phần chiếm ưu thế. Cụ thể, khối cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng gần 380 tỷ đồng; Quy mô mua ròng của khối ngoại thu hẹp đáng kể còn 79 tỷ đồng từ mức 807 tỷ đồng vào tuần trước.
ETFs quay lại rút ròng 400 tỷ đồng, phần lớn do sự đảo chiều của KIM VN30 (-382 tỷ đồng) cùng với FTSE và Fubon. Trong khi đó, VFM VN30, VFM VNDiamond, Vaneck và Ishares MSCI là những quỹ được vào ròng.
Động lực hướng về 1.280-1.300 điểm
Nhận định cho diễn biến thị trường chứng khoán tuần mới (từ ngày 7/8 đến ngày 11/8), Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thông tin 112 văn bản liên quan 174 dự án BĐS được Tổ công tác Bộ Xây dựng hướng dẫn theo thẩm quyền sẽ giúp ngành BĐS thu hút dòng tiền luân chuyển và tăng giá.
Dù vậy, thị trường vẫn đang nhạy cảm trước thông tin quốc tế. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ bước vào "vùng trống" thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh đi qua là yếu tố nhà đầu tư cần thận trọng, tránh "mua đuổi" cho dù VN-Index còn đông lực tăng lên các vùng giá cao mới.
Theo BSC, xu hướng tăng điểm vẫn đang khá mạnh cho dù thị trường chịu áp lực chốt lãi trong ngắn hạn trước một số thông tin bất lợi và hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF. Lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp và thanh khoản tốt cho thấy dòng tiền vẫn đang rất mạnh. VN-Index vẫn đang có động lực hướng về 1.280-1.300 điểm hoàn thành bước sóng 3 của chu kỳ tăng giá tính từ tháng 11/2022.
Xét về định giá chung, Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định, mặt bằng định giá P/E của VN-Index vẫn chưa quá đắt khi so sánh với mức bình quân trong quá khứ, tuy nhiên, cần xem xét từng nhóm ngành và nhóm cổ phiếu cụ thể để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Agriseco Research khuyến nghị giai đoạn này nhà đầu tư nên ưu tiên việc duy trì và bảo vệ kết quả. Việc giải ngân mới nên cân nhắc hạn chế khi thị trường đang đi vào vùng quá mua và các nhịp rung lắc xảy ra khá thường xuyên. Dựa vào xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì, nhà đầu tư có thể tận dụng tối ưu hóa danh mục bằng cách giảm tỉ trọng và chốt lời tại các phiên hưng phấn; ngược lại ở những phiên thị trường giảm mạnh chúng ta có thể tăng tỉ trọng để giảm giá vốn.
Còn theo chiến lược thị trường tuần từ ngày 7/8 đến ngày 11/8 của Công ty Chứng khoán SSI, có 2 kịch bản cho thị trường tuần này. Theo đó, nếu VN-Index vượt qua vùng 1.234,5 điểm kèm theo thanh khoản tích cực với khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ đơn vị, chỉ số có thể xác lập vùng đỉnh mới trên 1.250 điểm.
Trong trường hợp VN-Index tiếp cận vùng đỉnh cũ 1.234,5 điểm nhưng không có sự ủng hộ của thanh khoản, chỉ số có khả năng đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng. Ngưỡng 1.180 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của nhịp điều chỉnh này.
Theo đó, nhà đầu tư quan sát phản ứng của chỉ số chung tại vùng 1.234,5 điểm để chọn lựa nâng hoặc hạ tỷ danh mục hiện hữu: Tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu trong chu kỳ tăng trường và chỉ xem xét chốt lời khi xác nhận gãy xu hướng của chính cổ phiếu; Tích lũy dần những cổ phiếu đang trong giai đoạn đi ngang với biên độ hẹp và tín hiệu kỹ thuật ủng hộ nhằm chờ đợi dòng tiền luân chuyển đến.