Vn-Index vượt 960 điểm, còn tăng tiếp?
Tháng cuối năm, tâm điểm thị trường hướng đến các sự kiện IPO, niêm yết và phát hành của các doanh nghiệp lớn.…Hy vọng Vn-Index sẽ đạt những kỷ lục mới.
Vn-Index liên tục chinh phục “đỉnh” mới trong tháng 11/2017, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (Bluechips). Kèm theo đó là tác động, vừa “thú vị” và vừa “phi lý”, của nhiều mã cổ phiếu có dẫn dắt thị trường.
Nhiều mã “Phù Đổng”
Tính tới hết phiên giao dịch 30/11, chỉ số VnIndex dừng tại 949,93 điểm, tương ứng mức tăng 13,5% so với tháng trước. Đây cũng là tháng VnIndex tăng mạnh nhất kể từ 1/2013. Bứt phá mạnh mẽ này có đóng góp không nhỏ từ nhóm Bluechips, đặc biệt là những cổ phiếu gắn liền với nhiều mức giá “phi lý”.
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu ROS của công ty cổ phần xây dựng FLC Faros. Cổ phiếu này “vù vù” tăng giá, thành một trong những mã có ảnh hưởng nhất tới Vn-Index.
Từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 10, giá ROS đã tăng gấp 3 lần, từ 70.000 đồng/cp lên 214.000 đồng/cp. Riêng tháng 10, ROS đã có 5 phiên tăng trần, 16 phiên tăng giá và chỉ có 1 phiên giảm giá. Đồng thời, P/E của cổ phiếu này cũng tăng “bất thường” tới 240 lần, gấp 16 lần mức trung bình của toàn thị trường.
Điều khiến ROS tăng phi mã trong thời gian qua là một ẩn số, nhất là khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2017 của ROS lại hoàn toàn trái ngược với diễn biến tăng giá này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, lũy kế 9 tháng, doanh thu của FLC Faros đạt 2.102 tỷ đồng, lãi ròng giảm về 208 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng mức 208 tỷ đồng, giảm so với mức 232 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016.
So với kế hoạch là 4.914 tỷ đồng doanh thu và 588,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ROS chỉ thực hiện được lần lượt là 43% và 35% chỉ tiêu cả năm, trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đột biến gấp 250 lần.
Cũng có cùng diễn biến kết quả kinh doanh “ngược chiều” tăng của giá cổ phiếu là mã DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát Triển Xây dựng (DIC Corp).
Theo báo cáo tài chính quý III/2017 của DIG, doanh thu thuần 9 tháng DIG đạt 872 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 62% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn… 43 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch.
Từ giao dịch dưới mệnh giá 7.440 đồng/cp, khớp lệnh mỗi phiên “èo uột” chỉ vài chục nghìn đơn vị, hiện DIG đã tăng giá 61,3 %, lên 19.250 đồng/cp (phiên 28/11), giao dịch trung bình đạt hơn 16 triệu đơn vị – chỉ với một thông tin Bộ Xây dựng thoái toàn bộ 49,64% vốn điều lệ doanh nghiệp này, với giá tối thiểu 15.000 đồng.
Chào sàn HNX ngày 28/11, cổ phiếu VPI của công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest tăng hết biên độ lên 38.500 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh thấp chỉ 5.000 đơn vị. Đến phiên giao dịch sáng 30/11, VPI tiếp tục tăng trần ba phiên liên tục lên mức 43.200 đồng/cp, dư mua trần chỉ vài chục nghìn đơn vị. Hiện VPI đang giao dịch tại mức giá 41.400 đồng (phiên 1/12)
Là “lính mới” nhưng cổ phiếu VPI đang tăng trưởng khá cao so với các công ty bất động sản đang niêm yết, mặc dù “sức khỏe” doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh vẫn còn thu xa những doanh nghiệp cùng ngành khác như: LDG, PDR, NLG, HUT…
Mở đầu cho sóng cổ phiếu thoái vốn là VNM với phiên đấu giá 3,3% vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), phiên đầu này đã thành công vượt dự kiến với mức giá 186.000 đồng/cp, thu về gần 9.000 tỷ đồng.
Dư âm thoái vốn thành công tiếp tục giúp VNM (Vinamilk) duy trì đà tăng và nằm trong top 40 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên tổng số 342 mã niêm yết trên HoSE. Hiện, VNM đang giao dịch tại mức giá 196.000 đồng/cp, tăng 20,9% trong 1 tháng qua.
Vn-Index vượt 960 điểm, còn tăng tiếp?
Sốt cổ phiếu thoái vốn
“Hot” không kém là cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco). Trong 10 phiên giao dịch gần đây, SAB liên tục phá “đỉnh”, có thời điểm lên mức 340.000 đồng/cp và còn dự báo còn tăng lên mức 350.000 đồng/cp.
Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch của riêng cổ phiếu SAB, và cũng là một trong những mức thị giá cao nhất của một mã cổ phiếu trong một thập kỷ qua của thị trường chứng khoán.
Đà tăng “chóng mặt” này đẩy giá trị vốn hóa của Sabeco trên sàn chứng khoán lên hơn 218.000 tỷ đồng, tương đương 9,6 tỷ USD, đứng thứ hai về vốn hóa toàn thị trường, chỉ sau Vinamilk. Đà tăng này được cho là đến từ thông tin thoái vốn nhà nước tại “ông lớn” ngành bia rượu này.
Theo thông tin mới nhất, Bộ Công Thương dự kiến bán 53,59% vốn tại Sabeco, để chỉ giữ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này còn 36%. Nếu việc này được thực hiện, đây sẽ là thương vụ thoái vốn khổng lồ thứ hai, chỉ xếp sau thương vụ thoái vốn tại Vinamilk.
SCIC cũng tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về việc bán cổ phần tại Vinaconex (mã: VCG), Nhựa Tiền Phong (mã: NTP), Nhựa Bình Minh (mã: BMP), Domesco (mã: DMC) và CTCP FPT (mã: FPT).
Thông tin SCIC tiến hành thoái vốn đã giúp các cổ phiếu VCG, NTP, BMP, DMC, FPT nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và đồng loạt tăng mạnh trong thời gian qua.
Không nằm trong nhóm cổ phiếu thoái vốn nhưng cũng góp phần không nhỏ vào đà tăng của thị trường trong thời gian qua là cổ phiếu VRE của Vincom Reatail.
Kể từ khi lên sàn đến nay, cổ phiếu VRE giao dịch ấn tượng khi liên tục tăng giá. Hiện, VRE đang giao dịch tại mức giá 49.500 đồng/ cp, tại mức giá này, vốn hóa thị trường đạt 94.103 tỷ đồng, là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong thời gian tới, có thể các cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng bởi có thể sẽ xảy ra điều chỉnh của thị trường sau quá trình tăng quá mạnh và giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ hơn.