VN-INDEX vượt qua 675 điểm
Vn-Index ngày 13/7/2016 ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”Trung Quốc vẽ trên Biển Đông cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên tăng kỷ lục (16,22 điểm) đưa Vn-Index vượt 675 điểm, tăng gần 1,5% so với cuối năm2015. Nếu đến cuối năm 2016, VN-Index vẫn đạt trên 500 dưới vùng 600 điểm thì đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng, vượt qua kỷ lục cũ (tăng liên tục 4 năm trong thời kỳ 2012- 2015).
Việc tăng với tốc độ khá cao của Vn-Index là do số DNNN được cổ phần hóa tăng lên (6 tháng đầu năm đã có 40 DN, trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp công lập); số công ty niêm yết và giao dịch trên TTCK tăng lên, hiện đã vượt qua con số 1000 DN: số tài khoản giao dịch hiện lên đến trên 1 triệu.
Nhờ đó, lượng vốn giao dịch gia tăng, trong đó giá trị danh mục đầu tư gián tiếp nước ngoài đạt quy mô khá (năm 2005 đạt 3,2 tỷ USD, đến năm 2011 đạt 6,5 tỷ USD - cao gấp đôi năm 2005, đến năm 2012 đạt 8,1 tỷ USD, đến năm 2013 đạt 11,6 tỷ USD, đến năm 2014 đạt 13,5 tỷ USD- cao gấp đôi năm 2011, đến năm 2015 đạt 14,7 tỷ USD, ước đến năm nay có trên 15 tỷ USD). Tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 1 triệu 512 nghìn tỷ đồng, bằng 36% GDP; nếu kể cả trái phiếu thì vượt 60% GDP... cùng với đó, nhiều chính sách, giải pháp trực tiếp đối với TTCK, như rút ngắn T+, nới rom, minh bạch báo cáo tài chính... đã được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
TTCK tăng một mặt sẽ thu hút vào đây một lượng vốn nhất định, góp phần huy động vốn trung, dài hạn để giảm áp lực đối với tín dụng ngân hàng; mặt khác sẽ “trung hòa” các kênh đầu tư, giảm sức ép đối với thị trường vàng, thị trường ngoại tệ, lãi suất huy động tiết kiệm, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa, dịch vụ ...
Tuy nhiên, đầu tư vào TTCK đòi hỏi nhà đầu tư phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ cổ phiếu tránh mua ở “đỉnh”, bán ở “đáy”; đồng thời kiểm tra giao dịch để phòng tránh các “cá mập” luôn rình rập trên thị trường.