Vô số “vỏ bọc” của tội phạm rửa tiền

PV.

Tội phạm rửa tiền là một trong những loại tội phạm khó phát hiện nhất hiện nay và được “ngụy trang” tinh vi dưới nhiều hình thức, gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này.

Rửa tiền là hành vi làm cho đồng tiền bẩn “mất dấu” và cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc ban đầu. Tội phạm rửa tiền thường tìm cách chuyển dòng tiền từ quốc gia này sang quốc gia kia, hàng hóa nọ sang hàng hóa kia và từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia nhiều lần nhằm hợp thức hóa nguồn tiền để trở nên sạch hơn.

Theo pháp luật Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có; Thực hiện trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Để hợp pháp hóa số tiền do phạm tội mà có, bọn tội phạm có rất nhiều thủ đoạn để lách những khe hở trong văn bản pháp quy phòng chống rửa tiền mà các quốc gia đã ban hành. Thủ đoạn của tội phạm rửa tiền luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định, truy tìm, phong tỏa, tịch thu “tiền bẩn". Bởi vậy, tội phạm rửa tiền đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình an ninh, trật tự trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Cách đơn giản nhất mà tội phạm rửa tiền thường sử dụng là phương pháp “đa tài khoản” , nói cách khác là cách mở nhiều tài khoản đứng tên nhiều người tại nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó, chúng thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản nhiều lần với số tiền thấp hơn số tiền sẽ bị theo dõi quy định trong luật pháp về phòng chống rửa tiền của quốc gia đó. Thủ đoạn thường được tội phạm này sử dụng là giấy ủy nhiệm chi hoặc phương thức khác để chuyển tiền qua ngân hàng quốc tế giữa các quốc gia, dùng séc du lịch để chuyển tiền qua biên giới, thực hiện các giao dịch thương mại giả...

Một xu thế rất đáng lo ngại trên thế giới hiện nay là hành vi rửa tiền thông qua các giao dịch thương mại như: sử dụng hóa đơn giả; xuất hóa đơn với giá trị thấp hơn hay cao hơn giá trị của hàng hóa, dịch vụ; vận chuyển hàng hóa thực tế với số lượng nhiều hơn hoặc ít so với hóa đơn; ký hợp đồng đặt mua hàng sau đó hủy hợp đồng… Khi đó, tội phạm rửa tiền sẽ không ghi đúng giá trị của hàng hóa, dịch vụ để tạo ra căn cứ chuyển ít hơn hoặc nhiều hơn so với giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; hoặc tội phạm rửa tiền có thể khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển.

Bên cạnh đó, tội phạm rửa tiền còn thực hiện hành vi phạm pháp của mình bằng cách đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư ra nước ngoài thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc dự án có giá trị cao nhưng không có tính bền vững, sau một thời gian ngắn, chúng tìm cách rút vốn từ các dự án này về.

Nguy hiểm hơn, theo các chuyên gia, tại một số nước kém phát triển, các băng đảng tội phạm nước ngoài và trong nước tìm cách rửa tiền thông qua thủ đoạn đầu cơ chính trị, mua quan bán chức để đưa người của chúng vào bộ máy công quyền rồi từ đó lợi dụng để tiến hành các hoạt động bao che, dung túng cho các hoạt động phi pháp hoặc tham nhũng tiền của nhà nước. Đây là thủ đoạn rửa tiền cao cấp mà lợi nhuận của chúng có thể được nhân lên theo cấp số nhân và là mối nguy hại khôn lường quốc gia đó.

Ngoài các thủ đoạn trên, hành vi rửa tiền còn được thực hiện thông qua các “vỏ bọc” khác như: hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng; sử dụng các công ty “bình phong” và công ty “vỏ bọc”; hối lộ cán bộ, nhân viên của các định chế tài chính; vận chuyển tiền mặt qua biên giới; mua tài sản có giá trị lớn bằng tiền mặt rồi bán lại; sử dụng hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”)… Thậm chí, các băng đảng tội phạm cũng lợi dụng chính sách nhân đạo để thành lập một số quỹ từ thiện và lợi dụng các quỹ này để tiến hành các hoạt động rửa tiền.