Vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,2%

PV.

Mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. 6 tháng đầu năm 2016, FDI vào ngành chỉ chiếm 1,2% tổng vốn đầu tư và 0,052% tổng số dự án FDI vào Việt Nam.

Đầu tư FDI vào ngành còn khiêm tốn
Đầu tư FDI vào ngành còn khiêm tốn

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -N&PTNT) Trần Kim Long cho biết, trong 6 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực Nông lâm thủy sản là 53,1 triệu USD, với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi cũng yêu cầu các đối tác đầu tư nước ngoài cần nêu đúng thực trạng, những khó khăn trong đầu tư và thực hiện dự án tại Việt Nam để Bộ NN&PTNT có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, trên cơ sở hài hòa giữa khuyến khích đầu tư trong nước và ưu đãi FDI, không để doanh nghiệp FDI đòi hỏi những ưu đãi quá mức.

Tuy nhiên, đầu tư FDI vào ngành còn khiêm tốn, hiện chỉ chiếm 1,2% tổng vốn đầu tư và 0,052% tổng số dự án FDI vào Việt Nam; các lĩnh vực thu hút FDI chủ yếu là trồng trọt, thủy sản và chế biến nông, lâm sản.

Hiện Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, 6 tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động và kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành, các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt hỗ trợ hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở ĐBSCL...

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng sẽ hoàn thiện và ban hành thông tư về vận động, quản lý ODA; hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2030..

Đồng thời, Bộ sẽ tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản...; tập trung công tác rà soát pháp lý đối với các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị các phương án cho các FTAs đang tiến hành đàm phá. Đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm là thành viên của các tổ chức quốc tế như WTO, ASEAN, FTAs và các cam kết, điều ước quốc tế,… Chuẩn bị nguồn lực và cơ sở pháp lý tham gia giải quyết các vụ tranh chấp thương mại và bảo hộ nông sản hợp pháp, chống gian lận thương mại.