Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Ưu tiên kinh phí giúp người dân phòng chống thiên tai
Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 diễn biến bất thường, cực đoan, gây hậu quả nặng nề. Vì vậy, những tháng tiếp theo,các địa phương cần tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai.
Ngày 12/5/2016, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tổng kết công tác phòng chống thiên tai từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2016".
Hỗ trợ 2.521,1 tỷ đồng khắc phục thiên tai
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, 445.110 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại…Tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung vào thiệt hại cây trồng nông nghiệp, sạt lở đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cung cấp điện. Năm 2016, tổng thiệt hại dự kiến vào khoảng 9.735 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương PCTT, trong năm 2015 và đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định hỗ trợ các địa phường bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí là 2.521,1 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ khắc phục bão, lũ là 500 tỷ đồng; hạn hán, xâm nhập mặn là 1.021,1 tỷ đồng) và 31.606 tấn gạo, 20 tấn giống cây trồng, 267 tấn ngô giống, 17,7 tấn hạt giống rau các loại.
Trước những thiệt hại đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, mặc dù công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt nhiều kết quả, song chủ yếu mới quan tâm đến ứng phó, việc nâng cao năng lực, đầu tư công trình phòng, chống thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số nội dung thực thi Luật Phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện còn chậm. Công tác dự báo dự báo còn khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra cực đoan, bất thường và ở mức lịch sử…
Ưu tiên bố trí kinh phí để nâng cao nhận thức của cộng đồng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, công tác phòng chống thiên tai phải dựa vào dân là chính, phòng là chính. Do đó, yêu cầu các bộ, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình để tạo điều kiện cho từng thôn, bản, từng người dân có thể nắm được thông tin về thiên tai để chủ động phòng ngừa.
Đi đôi với đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố.
“Đây là một trong những Đề án hết sức quan trọng, không tốn nhiều kinh phí nhưng mang lại hiệu quả thiết thực vì thực tế để giảm thiệt hại do thiên tai, sự cố, tai nạn thì trước hết mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp phải nhận thức được và chủ động cứu lấy mình, áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Đề nghị các bộ, địa phương cần quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cho công tác này”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để nâng cao chất lượng công tác dự báo, củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, đảm bảo an toàn hồ chứa, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai, xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa. Đẩy mạnh thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn ven biển để chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần khẩn trương kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo, Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương tới cơ sở; xây dựng phương án, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2016 sát với thực tế ở bộ, ngành, địa phương, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai của bộ, ngành, địa phương mình.../.