Vốn FDI Trung Quốc đổ vào Đông Nam Á tăng vọt
Với chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á nhằm tránh bị Mỹ áp thuế. Theo Nikkei Asian Review, điều này giúp tạo ra lực đẩy cho các quốc gia Đông Nam Á.
Trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày 20/5, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà các doanh nghiệp Trung Quốc rót vào Việt Nam (dựa trên các dự án đã được phê duyệt) đã tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,56 tỷ USD. Trong đó riêng con số của 4 tháng đầu năm đã vượt tổng mức của năm 2018.
Nếu đà tăng này tiếp tục được duy trì, Trung Quốc có thể lần đầu tiên trở thành nước dẫn đầu dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tính theo số liệu cả năm. Theo sau là Hàn Quốc (khoảng 1 tỷ USD). Trong khi đó tổng vốn của các dự án do nhà đầu tư Nhật Bản, nước đứng đầu trong năm 2017 và 2018, hiện mới chỉ đạt 730 triệu USD.
Thái Lan cũng chứng kiến dòng vốn mạnh mẽ từ Trung Quốc. Trong quý I năm nay, tổng vốn FDI từ Trung Quốc được Chính phủ nước này phê duyệt đã tăng gấp đôi, lên 29,3 tỷ baht tương đương 933 triệu USD.
Bị Mỹ áp thuế, nhiều công ty Trung Quốc buộc phải tìm kiếm những địa điểm khác để định vị lại nơi sản xuất. Kể từ năm ngoái hơn 20 công ty niêm yết của Trung Quốc đã chuyển nhà máy, mở rộng hoạt động sản xuất ở nước ngoài hoặc ít nhất là thông báo kế hoạch làm như vậy.
Báo cáo tháng 4 của Ngân hàng phát triển châu Á ADB nhận định Trung Quốc "vốn đã tăng cường đầu tư tại châu Á trong mấy năm gần đây, nhưng trong bối cảnh xung đột thương mại xu hướng ấy càng được đẩy mạnh".
Việt Nam có lợi thế lao động giá rẻ và vị trí địa lý thuận lợi. Báo cáo mới được Nomura công bố tuần trước cũng nhận định Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại với GDP 2019 có thể tăng thêm 7,9%.
Danh sách các công ty có dự định chuyển nhà máy tới Đông Nam Á để tránh thuế quan:
Đầu tư của Trung Quốc cũng tăng vọt tại Philippines, nhưng cũng phần nhiều là do quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 29 dự án trong chuyến thăm của ông Tập hồi tháng 11/2018.
Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Philippines trong năm ngoái. Tổng lượng vốn FDI được phê duyệt đã tăng hơn 20 lần, lên 979 triệu USD.
Các công ty Trung Quốc đang tỏ ra khá lo lắng về chiến tranh thương mại. Dường như họ đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể chuyển đi ngay khi cần phải làm như vậy. Shenzhen H&T Intelligent Control, 1 công ty điện tử đặt tại Quảng Đông, đã quyết định chi 5 triệu USD để lập nhà máy ở Việt Nam.
GoerTek, công ty lắp ráp tai nghe AirPods của Apple, hồi tháng 1 cũng được cấp phép xây dựng nhà máy trị giá 260 triệu USD tại Bắc Ninh. Công ty sản xuất tivi TCL và tập đoàn máy tính Lenovo cũng có kế hoạch tương tự.
Đại diện của một công ty Trung Quốc cho biết nếu thuế là 10% thì các công ty có thể chịu đựng được bằng cách tăng giá sản phẩm 3-5%, nhưng 25% là một con số quá lớn.