Vốn FDI vào Việt Nam quý I/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2020 (tính đến ngày 20/3/2020), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mức tăng trưởng này chủ yếu là do trong quý I/2020, có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về lượng vốn đầu tư đăng ký điều chỉnh, trong quý I/2020 có 236 lượt đăng ký với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong quý I/2020 tăng khá lớn, tuy nhiên, quy mô góp vốn lại không nhiều, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I/2019 với 3,4 triệu USD/lượt góp vốn).
Về lĩnh vực đầu tư trong quý I/2020, sản xuất phân phối điện đang là lĩnh vực dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 682 triệu USD và 264 triệu USD.
Singapore hiện đang tạm dẫn đầu danh sách đầu tư nước ngoài năm 2020 với tổng vốn đầu tư 4,54 tỷ USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo vẫn là các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp gây hệ lụy lớn tới quyết định của các nhà đầu tư cũng như quyết định mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài, làm cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020, giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy vậy, vốn đầu tư giải ngân vẫn ở mức khá, đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019, đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai của các dự án.
Dưới góc độ lạc quan, các chuyên gia kinh tế nhận định, vẫn còn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Lân Bính, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam. Các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư.