Vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%: Không phải là con số quá xa vời
Đó là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nội dung giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Dự thảo) đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Mức tác động trong tầm kiểm soát
Một trong những điểm sửa đổi được quan tâm nhất tại Dự thảo là việc tiếp tục giảm chỉ tiêu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% (đến tháng 7/2021 theo phương án 1, đến tháng 7/2022 theo phương án 2).
NHNN cho biết, về cơ bản, hai điều chỉnh này nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều bên, nhưng cũng có một số ý kiến hiểu chưa đúng, chưa đủ nên bày tỏ lo lắng.
Lo lắng thứ nhất là tiến độ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có lẽ đang quá gấp. Khi đó, dòng vốn tín dụng trung và dài hạn bị thắt chặt quá mạnh sẽ đẩy thị trường bất động sản vào khó khăn, và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, giống như giai đoạn 2009 - 2012.
Lo lắng thứ hai là việc sử dụng các mức ngưỡng quy mô khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống để xác định hệ số rủi ro là chưa chính xác. Sẽ hợp lý hơn khi cách thức phân nhóm căn cứ vào mục tiêu khoản vay thay cho quy mô khoản vay như trong Dự thảo.
Tuy nhiên, theo cơ quan xây dựng Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, khi nhìn nhận khách quan và kỹ lưỡng hơn, có thể thấy những điều chỉnh và tiến độ triển khai điều chỉnh trong Dự thảo là có cơ sở.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đến hết tháng 2/2019 của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 31,12% và của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 32,4% (còn khá xa so với mức trần 40% hiện nay). Như vậy, mức mục tiêu xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là con số quá xa vời. Khó khăn có thể xảy ra đối với một số ngân hàng có hoạt động cho vay trung và dài hạn lớn, nhưng trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.
Động lực để phát triển thị trường vốn
Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án điều chỉnh với các lộ trình khác nhau. Phương án 1 giảm theo chu kỳ mỗi năm giảm 5%. Cụ thể đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40%, từ ngày 1/7/2020 tối đa 35% và từ 1/7/2021 tối đa 30%.
Phương án 2 giảm theo chu kỳ mỗi năm giảm 3%. Cụ thể đến hết ngày 30/6/2020 vẫn giữ mức tối đa 40%, từ ngày 1/7/2020 tối đa 37%, từ ngày 1/7/2021 tối đa 34% và từ 1/7/2022 tối đa 30%. Theo đó, việc điều chỉnh giảm được thực hiện theo lộ trình và mức giảm 3%/năm có lẽ không phải mức vô lý.
NHNN đánh giá, trên giác độ thông lệ quốc tế, quy định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn) được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2007 - 2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel III, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013 - 2019).
Theo đó, các ngân hàng thương mại hầu như sẽ không được sử dụng nguồn vốn có tính chất ngắn hạn để phục vụ cho vay hoặc đầu tư trung và dài hạn. Như vậy, so với thông lệ quốc tế, mức mục tiêu 30% đến giữa năm 2021 (phương án 1) hoặc giữa năm 2022 (phương án 2) vẫn là con số khiêm tốn, có tính đến yếu tố thị trường vốn (thị trường cổ phiếu và trái phiếu) Việt Nam chưa phát triển.
Đáng chú ý, việc hạn chế hơn ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn cần được nhìn nhận là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn thị trường vốn, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó khắc phục hiện tượng mất cân bằng trong hệ thống tài chính.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng chiếm đến 68% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính và đang đảm nhận nhiệm vụ chính trong cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế (chức năng lẽ ra thuộc về thị trường vốn), khi mà tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn ở mức 50,6% (cuối năm 2018).
Trong khi đó, khu vực trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhỏ bé với giá trị vốn hóa đến cuối năm 2018 chỉ đạt 8,57% GDP, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 21,33% GDP, Malaysia 46,3% GDP. Tình trạng mất cân đối này khiến hệ thống tài chính Việt Nam luôn bị các định chế quốc tế như IMF, WB đánh giá kém về tính lành mạnh và tiềm ẩn rủi ro liên quan đến thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Vấn đề này càng đáng lo lắng hơn khi từ năm 2016, giá nhà đất liên tục tăng cao và sốt đất diễn ra tại một số khu vực. Cần nói thêm rằng, tình trạng khủng hoảng thị trường bất động sản Việt Nam kéo theo bất ổn trong khu vực ngân hàng và cả nền kinh tế giai đoạn 2009 - 2012 có nguyên nhân lớn là do bong bóng bất động sản đã không được ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu.
Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế hơn sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ khu vực tư nhân. Điều này một mặt sẽ khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển, mặt khác giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu tại các nước tương đồng với Việt Nam cho thấy, mức độ giám sát và áp lực minh bạch hóa hoạt động, tuân thủ quy định trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp là tốt hơn so với áp lực từ việc vay vốn ngân hàng.