Vốn ODA Nhật Bản: Sẽ theo hướng mới
Từ khi nối lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản đã rót lượng lớn vốn ODA vào hầu hết những lĩnh vực trọng yếu bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, thời gian tới, vốn ODA của Nhật Bản sẽ theo hướng mới.
Hiệu quả lan tỏa
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho biết, ODA Nhật Bản được phân bổ vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt, tạo tiền đề cho phát triển của Việt Nam trên những lĩnh vực như: Hạ tầng cơ sở quy mô lớn (điện lực, giao thông, cảng biển), hạ tầng đô thị và nông thôn, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường...
Cụ thể, các dự án giao thông điển hình sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản có tính chất liên kết vùng như nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã góp phần tăng lượng hành khách sử dụng từ 3,6 triệu người/năm (năm 2010) lên 8,9 triệu người/năm (năm 2017); hay đường vành đai 3 Hà Nội gồm cả cầu Thanh Trì, Cảng Lạch Huyện đã rút ngắn thời gian di chuyển trên tuyến đường này có thể quy đổi tương đương 357,84 tỷ đồng/năm vào thời điểm năm 2017...
Trong lĩnh vực năng lượng, JICA đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Mới đây nhất, dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim hoàn thành vào cuối năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 1.952 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 85% từ Quỹ Hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản, thông qua JICA.
Với ngành y tế, dự án xây dựng và nâng cấp các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế; dự án xây dựng nhà máy sản xuất vắc- xin của POLYVAC... đã góp phần tích cực trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nhất.
Định hướng phù hợp với sự phát triển
Theo ông Konaka Tetsuo, vốn ODA của Nhật Bản trong những năm tới sẽ được cung cấp dựa trên "Chính sách mới nhất về hỗ trợ quốc gia cho Việt Nam" cùng với "Kế hoạch theo từng năm" được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt vào tháng 12/2017. Chính sách này bao gồm ba trụ cột của các lĩnh vực ưu tiên, đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị nhà nước.
"JICA sẽ tăng cường triển khai một số loại hình hợp tác mới, như: Chương trình tài chính đầu tư tư nhân (PSIF), các loại hình hợp tác có sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và đầu tư từ vốn ODA" - ông Konaka Tetsuo chia sẻ.
Đặc biệt, Chương trình PSIF sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính mới, ổn định với các dự án tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Một ví dụ về hình thức hợp tác mới này là khoản vay trị giá 75 triệu USD giữa JICA và Công ty THHH Cafe Outspan Vietnam (công ty con của Công ty TNHH Olam International) cho dự án nâng cao chuỗi giá trị cà phê.
Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua nhiều loại hình chương trình và dự án khác nhau, để đạt được tầm nhìn "Kết nối thế giới bằng lòng tin".