Đảm bảo hiệu quả, minh bạch thông tin trong ký kết hiệp định tiếp nhận nguồn vốn ODA

PV.

Cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tạo cơ sở để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn.

Toàn cảnh Hội nghị "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vay lại qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam".
Toàn cảnh Hội nghị "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vay lại qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam".

Đó là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra giám sát nguồn vốn ODA được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vay lại qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)”, do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Thanh tra Bộ Tài chính phối hợp với VDB tổ chức tại Ninh Bình ngày 21/9/2018.

Tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của VDB là tiếp nhận quản lý nguồn vốn cho vay lại tại các dự án vay vốn nước ngoài của Chính phủ. Hiện nay, VDB đang nắm giữ và giải ngân khoảng 60% vốn ODA cho vay lại của Việt Nam.

Cùng với đó, Luật Quản lý nợ công năm 2017 đặt ra nhiệm vụ giao cho VDB là ngân hàng duy nhất được thực hiện cung cấp sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại theo hình thức cho vay không chịu rủi ro. Do vậy, vai trò của VDB là rất quan trọng.

Chính vì vậy, “Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát liên quan tới cho vay lại và vay ODA sẽ giúp cho Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chứng minh được tính minh bạch thông tin khi báo cáo tình hình thực hiện Luật Quản lý nợ công tới Chính phủ, Quốc hội”, ông Long nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của VDB trong quản lý cho vay lại vốn nước ngoài, ông Nguyễn Chí Trang - Phó Tổng Giám đốc VDB cho biết, qua quá trình thực hiện chức năng quản lý cho vay lại vốn nước ngoài, VDB luôn giữ vai trò cơ quan cho vay lại vốn nước ngoài lớn nhất của Chính phủ tại Việt Nam, được Bộ Tài chính ủy quyền là cơ quan kiểm soát chi vốn nước ngoài cho vay lại và là đầu mối quan trọng tham gia tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế về thu hút, quản lý, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn nước ngoài cho vay lại.

Nhờ thực hiện tốt các chức năng trên, trong giai đoạn 2010-2015, VDB đã thu hồi tổng số nợ vay với giá trị bình quân khoảng 9.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016 - 2017, tổng số thu nợ bình quân hàng năm đạt 13.400 tỷ đồng/năm. Tính đến thời điểm 31/8/2018, dư nợ vốn vay nước ngoài tại VDB là 152.892,55 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp so với dư nợ vay (tại thời điểm 31/8/2018 là 3,33% dư nợ).

Bên cạnh kết quả tích cực, cùng với sự biến động của nền kinh tế thị trường thì nợ xấu đã xuất hiện ở các chương trình/dự án VDB cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Mặc dù quy mô nợ xấu không lớn và đã từng bước được kiểm soát nhưng việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính – tín dụng cho Chính phủ Việt Nam. Một số dự án chậm tiến độ kéo dài, tăng vốn đầu tư nhiều dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, gây thất thoát, lãng phí của cải, vật chất cho xã hội…

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định của Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn.

Song song với đó, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cần gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản pháp luật liên quan.

Đưa ra giải pháp riêng áp dụng đối với VDB, ông Nguyễn Chí Trang - Phó Tổng Giám đốc VDB cho rằng, thời gian tới, VDB cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình dự án của ngân hàng này cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư của các chương trình tín dụng; Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án cũng như trả nợ để hỗ trợ tháo gỡ và ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro…

Cùng với các nội dung trên, Hội nghị cũng phổ biến một số nội dung quan trọng của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và bàn thảo về công tác phối hợp giữa Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và Thanh tra Bộ Tài chính trong kiểm tra, giám sát các dự án sử dụng vốn vay ODA.